Hàn Quốc là một trong những quốc gia đang sở hữu những di sản tư liệu của thế giới. Sở dĩ những tài liệu ghi chép lịch sử còn được gìn giữ mà không nhuốm màu năm tháng là bởi chúng được viết trên nền giấy Hanji truyền thống. Hôm nay hãy cùng NEWSKY tìm hiểu sâu hơn về loại giấy đặc biệt này nhé!
1. Sơ lược về lịch sử làm giấy Hanji
Giấy Hanji (한지) hay giấy Dakjong (닥종) là loại giấy được dùng từ thời xa xưa của Hàn Quốc được chế tạo bằng cách sử dụng vỏ cây dâu tằm là thành phần cơ bản. Ngày nay Hanji là từ để chỉ nghệ thuật làm giấy thủ công ở đất nước này. “Han” có nghĩa là Hàn và “ji” là giấy. Từ này bắt đầu được sử dụng từ đầu thế kỷ 20, sau khi giấy phương Tây (Yangji) du nhập vào Hàn Quốc.
Tuy không biết chính xác giấy Hanji đã được phát minh ở thời điểm nào, nhưng người ta cho rằng kỹ thuật làm giấy của Thái Luân (50-121) đã được cải tiến và lưu truyền trong thời kỳ Tam Quốc. Năm 1931, một mảnh giấy Hanji được phát hiện tại nghĩa trang huyện Naklang (Lạc Lãng) cũ.
Có tài liệu khác ghi chép rằng, sau khi giấy được nhập khẩu lần đầu từ Trung Quốc, người Hàn xưa đã theo đó phát triển phương pháp làm Hanji độc đáo của riêng họ. Loại giấy này có sợi bền và chắc, khi chạm vào cũng rất mềm mại. Hai tài liệu lịch sử quan trọng của Hàn Quốc được in trên Hanji là: Mujujeonggwang Daedaranigyeong (Đại kinh Dharani về ánh sáng vô nhiễm và tinh khiết, khoảng năm 704 sau Công nguyên), được phát hiện bên trong Seokgatap tại chùa Bulguksa ở Gyeongju và được công nhận là tài liệu in đầu tiên trên thế giới; và Daebanggwang Bulhwaeomgyeong, được sản xuất vào năm 755 SCN (năm thứ 14 của Vua Gyeongdeok). Daebanggwang Bulhwaeomgyeong là một nguồn tài nguyên lịch sử đặc biệt có giá trị ở chỗ nó cung cấp manh mối về công nghệ làm giấy ngày nay và bao gồm tên của nơi sản xuất và nhà sản xuất giấy. Hanji thực sự là một di sản văn hóa vô giá vì sở hữu những phẩm chất bảo quản vượt trội – kéo dài hơn 1.000 năm. Sức chịu đựng của Hanji thậm chí còn đáng nể hơn khi chúng ta so sánh nó với băng đĩa CD – thứ phải thay đổi sau mỗi 10 đến 20 năm.
2. Quá trình sản xuất giấy Hanji
Vật liệu chính để làm Hanji khá đơn giản, đó là cây dâu tằm, màu tự nhiên và nước. So với dâu tằm ở các nước châu Á khác, giống dâu tằm ở Hàn Quốc dai hơn, bền hơn vì vậy cũng cho chất liệu giấy tốt hơn. Một ví dụ điển hình cho sức bền của Hanji là những tài liệu được tìm thấy trong ngôi đền Bulguksa ở Gyeongju năm 1966. Được cho là bản in bằng gỗ đầu tiên trên thế giới nhưng cuộn giấy này hầu như không bị hư hại nhiều, nhờ độ bền tự nhiên của Hanji.
Tùy theo thời đại và địa phương mà cách làm giấy Hanji cũng khác nhau, nhưng chúng thường được làm theo trình tự sau:
- Thu thập và cắt cây dâu tằm thành từng khúc, sau đó buộc thành bó rồi đặt trên một cái nắp nồi sắt. Người ta sẽ đốt lửa và hấp đến khi vỏ cây bắt đầu bong tróc.
- Vỏ cây sau đó được bóc khỏi gỗ bằng tay và sấy khô.
- Đem vỏ khô ngâm trong nước và ép cho đến khi vắt hết nước chỉ còn lại những sợi trắng.
- Cho nước tro vào và đun sôi khoảng 4 – 5 giờ.
- Rửa sạch các sợi còn sót lại và trải hỗn họp ra một phiến đá phẳng. Sau đó dùng chày nghiền nát.
- Cho nước nếp thu được từ việc nghiền rễ cây dâu tằm vào và trộn đều với nhau.
- Hỗn hợp thu được được sàng vào khung một chân và làm khô.
- Sau một quá trình hoàn thiện sản phẩm được gọi là “dochim”, giấy Hanji đã được sản xuất ra như vậy.
3. Cách sử dụng
Với kết cấu mềm mại, tính linh hoạt, độ bền và khả năng hấp thụ tất cả các màu sắc, Hanji còn có khả năng thấm hút không khí và độ ẩm vượt trội. Vì thế Hanji không chỉ được sử dụng để viết thư pháp, vẽ tranh, viết sách mà còn được sử dụng làm giấy dán cửa, dán tường, đồ nội thất, ô, đèn lồng, hộp, quạt, giày hay cả quần áo. Người Hàn Quốc thậm chí còn dùng loại giấy này cho sàn nhà của họ.
Cụ thể người Hàn xưa đã sử dụng nhiều đặc tính của giấy Hàn Quốc để tạo ra nhiều dụng cụ sinh hoạt khác nhau:
- Giấy Hanji có tính cách nhiệt giúp ngăn gió lạnh và làm ấm phòng, vì vậy nó được sử dụng để làm giấy dán cửa sổ.
- Giấy Hanji cũng nhẹ và dai nên cũng được sử dụng để làm quạt. Người ta dán giấy Hanji lên quạt và vẽ thêm tranh để trang trí.
- Ngoài ra, người Hàn xưa cũng tận dụng dán nhiều lớp Hanji chồng lên nhau để làm các vật dụng sinh hoạt hằng ngày như hộp đựng trang sức và hộp đựng bút.
- Trường hợp khác, nếu ta sơn nhiều lớp giấy Hanji lên nhau thì giấy sẽ cứng và dai như da, tạo ra các vật dụng khác như bát hoặc áo giáp mặc trên chiến trường. Người ta còn nói rằng ví được làm từ nhiều lớp giấy Hanji đến mũi tên và đạn cũng không thể xuyên thủng.
Ngày nay, nhiều tác giả trẻ Hàn Quốc sử dụng giấy Hanji để sáng tác nghệ thuật. Có hai chiều hướng sáng tác nghệ thuật sử dụng giấy Hanji. Đó là sử dụng giấy Hanji làm đồ thủ công mỹ nghệ ứng dụng trong đời sống như hộp nhỏ, đồ vật dụng nhỏ, búp bê, đồ trang trí nội thất. Hướng sáng tác thứ 2 là sử dụng giấy Hanji để làm những tác phẩm mang tính kỹ thuật hiện đại.
Các chủ đề sáng tác bằng giấy Hanji rất đa dạng, không bị giới hạn từ những tác phẩm chế tác bằng tay nhỏ đến những tác phẩm mang quy mô lớn. Hanji cũng không bị giới hạn bởi không gian. Nó có thể là những tác phẩm 2D gắn trên tường hoặc những tác phẩm mặt phẳng, lập thể bày trong tủ kính hoặc trong không gian rộng rãi hơn. Điều đó cho thấy sức sống mãnh liệt của giấy Hanji.