Trong tiếng Hàn Quốc, sinh nhật lần thứ 60 của một người được gọi là Hwangap (환갑). Vào ngày này, một bữa tiệc lớn dành cho người có sinh nhật sẽ được tổ chức. Vì tuổi thọ trung bình của người xưa thường thấp hơn 60 nên bữa tiệc lớn đó sẽ mang ý nghĩa mừng thọ và cũng là một cách để thể hiện ước vọng được sống thọ hơn, thịnh vượng hơn. Hôm nay hãy cùng NEWSKY tìm hiểu sâu hơn về ngày lễ này và so sánh những điểm khác biệt giữa lễ mừng thọ ở Hàn Quốc và lễ mừng thọ ở Việt Nam nhé!
1. Tiệc mừng thọ ở Hàn Quốc (환갑)
Hwangap (환갑) hay còn gọi là lục tuần. Là một nét văn hóa truyền thống của Hàn Quốc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60. Hwegap (회갑) cũng là một cách gọi khác của ngày lễ này.
Có thể giải thích về ý nghĩa của ngày lễ này theo hai cách:
- Trong xã hội phong kiến ngày xưa, một người đến tuổi 60 được coi là người sống lâu. Vì vậy, con cháu tổ chức lễ lớn để mừng thọ cho cha mẹ và cầu mong được sống lâu hơn.
- Nguyên lí vận hành vạn vật trong trời đất được chia thành 10 can và 12 chi, khi quay được một vòng được gọi là Hwangap (환갑). Tính theo âm lịch thì mừng thọ tuổi 60 ở Hàn Quốc là ngày sinh nhật đón tuổi 61. Người Hàn Quốc làm tiệc mừng thọ vào đúng ngày sinh hoặc trước đó vài ngày chọn thời gian thuận lợi nhất.
Lúc này, họ sẽ may quần áo mới gọi là Hwangapbok (환갑옷) và bày biện một bàn tiệc lớn gọi là Hwangapsang (환갑상). Người có sinh nhật cùng với vợ/chồng sẽ ngồi tại bàn tiệc lớn với bánh gạo, hoa quả, bánh kẹo chất cao như núi. Người Hàn Quốc có quan niệm rằng “núi đồ ăn” càng cao thì lòng hiếu thảo của các con dành cho cha mẹ càng sâu đậm. Các con của họ sẽ lần lượt (theo thứ tự tuổi tác trong gia đình) cúi đầu trước cha mẹ và mời cha mẹ uống một ly rượu. Những người họ hàng nhỏ tuổi hơn cũng sẽ cúi đầu và mời rượu.
Ngày nay, với sự phát triển của y học, tuổi thọ trung bình của con người đã cao lên, rất nhiều người Hàn Quốc chọn đi chơi xa cùng gia đình của họ để kỉ niệm sinh nhật lần thứ 60 thay vì tổ thức tiệc lớn. Người Hàn Quốc cũng tổ chức tiệc vào lần sinh nhật thứ 70 (gọi là Chilsun/ Gohui – 칠순/고희) hay 80 (gọi là Palsun – 팔순).
2. Trang phục (환갑옷)
Hwangapbok (환갑옷) là bộ quần áo được mặc trong bữa tiệc sinh nhật lần thứ 60 ở Hàn Quốc. Hwangapbok dựa trên trang phục truyền thống của quốc gia bao gồm áo jeogori (저고리), quần, váy và áo khoác ngoài.
Cụ thể là cuối triều đại Joseon, cánh mày râu thường mặc áo jeogori cùng quần tây, trên đầu đội mũ và khoác thêm 두루마기 ở ngoài cùng (từ này có nghĩa là áo khoác ngoài – áo kín quanh thân).
Hwangapbok của phụ nữ khác nhau tùy theo khu vực, nhưng họ thường mặc váy hồng và áo jeogori. Vào mùa đông, họ sẽ đội thêm khăn hoặc đội mũ như Nambawi (남바위) hoặc Jobawi (조바위) (một loại mũ truyền thống mà phụ nữ đội trên đầu vào mùa đông, phía chóp hở, tai và má được che kín). Thậm chí có người còn mặc cả váy cưới. Những phục trang này cũng góp phần phản ánh mong muốn của con cái với cha mẹ. Họ mong rằng cha mẹ sẽ không già đi mà luôn khỏe mạnh và sống thọ. Và việc con cái mặc lễ phục như vậy cũng là để làm cho cha mẹ vui lòng.
Ngày nay, vì Hàn Quốc chịu sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây không ít nên là việc ăn mặc thời hiện đại cũng mang hơi hướng phương Tây hơn. Thế nhưng họ vẫn giữ được bản sắc dân tộc của mình. Và việc ăn mặc cũng đơn giản đi chẳng hạn như nam giới thì mặc vest quần âu và nữ giới thì mặc đầm, váy thay vì Hanbok truyền thống.
3. Nghi thức (의식)
Vào sáng sớm ngày Hwangap, người được 60 tuổi sẽ bước vào bàn thờ và nói rằng họ đã được 60 tuổi trước bài vị của tổ tiên. Bữa sáng là một bữa tiệc linh đình hơn bình thường, và món canh vẫn là canh rong biển như truyền thống khi đến sinh nhật.
Chủ nhân bữa tiệc sẽ cùng với bạn đời của mình ngồi trước bàn tiệc lớn. Theo quan niệm, bàn tiệc được chuẩn bị càng cao thì càng thể hiện lòng hiếu thảo của con cái. Người được mừng thọ sẽ khoác lên mình những bộ quần áo mới và đẹp nhất do con cháu may. Khi tiệc bắt đầu, con cháu sẽ bắt đầu bước lên cúi lạy, rót rượu và dâng lên theo thứ tự từ con trai cả và con dâu, sau đó đến con trai út và con dâu út, kế mới là con gái và con rể. Vào lúc này thì đàn ông bao gồm cả con trai và con rể sẽ cúi đầu 2 lần, phụ nữ bao gồm cả con gái và con dâu sẽ cúi đầu 4 lần. Họ hàng cũng sẽ rót rượu cho nhau và trò chuyện vui vẻ.
4. Bàn tiệc (환갑잔치)
Bàn tiệc cho lễ mừng thọ được gọi là Hwangapsang (환갑상). Hwangapsang thường được đặt tại phòng chính hoặc daecheong (sảnh). Gia đình sẽ dựng lên một tấm bình phong và chuẩn bị bàn tròn để làm một chỗ ngồi cho người được mừng thọ và những người cùng tham gia.
Thực đơn cho hwangapsang khá phong phú, chúng sẽ được bày biện và trang trí cẩn thận trên bàn tiệc. Ta có thể thường gặp các loại như: hạt dẻ (cắt nhỏ), hạt thông táo tàu (cắt lát), quả óc chó (cắt lát), quả hồng khô, kẹo, gangjeong, dasik và yakgwa được xếp thành hình trụ có đường kính 15 cm và cao 40 cm. Phía trước hwangapsang có đặt một chiếc bình nhỏ có đựng chén rượu và ấm rượu, mục đích là để thuận tiện cho con cháu, họ hàng và người thân rót rượu và chúc mừng.
Việc trang trí bàn tròn này sẽ có sự khác biệt nho nhỏ tùy thuộc vào cuộc sống của người dân và địa phương, nhưng nhìn chung thì đây là hình thức phổ biến nhất. Hoặc cũng có những nhà điều kiện kinh tế thấp hơn nên chỉ tổ chức quay quần trong gia đình. Những người con tự tay nấu những món ngon cho cha mẹ và mọi người đều mặc đồ thường ngày chứ không mặc lễ phục.
5. Sự khác biệt giữa lễ mừng thọ ở Hàn Quốc và ở Việt Nam
Hàn Quốc
- Tính theo âm lịch thì mừng thọ tuổi 60 ở Hàn Quốc là ngày sinh nhật đón tuổi 61.
- Người Hàn Quốc làm tiệc mừng thọ vào đúng ngày sinh hoặc trước đó vài ngày chọn thời gian thuận lợi nhất.
Việt Nam
- Người Việt Nam thường làm lễ mừng trước 1 năm vì tính cả tuổi mụ để tròn 60.
- Người Việt Nam lại làm tiệc mừng thọ vào những ngày đầu xuân năm mới sau Tết Nguyên đán.