Hoàng hậu Myeongseong (Minh Thành Hoàng hậu) đăng quang vào giai đoạn cuối thời Joseon, khi đất nước đang trong cảnh bên ngoài chịu áp lực từ Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và các nước phương Tây, bên trong ẩn chứa nhiều hiểm họa và rối ren về chính trị. Tuy nhiên bà đã chứng tỏ cho mọi người thấy mình là một bậc quốc mẫu hết sức đặc biệt trong lịch sử của Hàn Quốc. Hôm nay hãy cùng NEWSKY tìm hiểu về cuộc đời tráng của vị Hoàng hậu này nhé!
Hoàng hậu Myeongseong hay còn gọi là Minh Thành Hoàng hậu (명성황후/明成皇后), sinh ngày 25 tháng 9 năm 1851 và mất ngày 20 tháng 8 năm 1895, bà là Vương phi của Triều Tiên Cao Tông cũng như cuối cùng của nhà Triều Tiên. Ngoài ra bà còn được biết đến với danh xưng Minh Thành Thái Hoàng hậu (明成太皇后) hay Mẫn phi (閔妃).
Sau khi Vua Cao Tông (고종/高宗) xưng Hoàng đế của Đại Hàn Đế Quốc vào năm 1902, bà được truy phong Hoàng hậu. Mặc dù được biết đến rộng rãi với tôn hiệu Hoàng hậu, nhưng trên thực tế bà đã mất trước khi trở thành Hoàng hậu và chưa bao giờ đảm nhiệm vai trò này.
Quốc mẫu năm 16 tuổi
Bà xuất thân từ Li Hưng Mẫn thị (驪興閔氏), một gia tộc danh giá trong lịch sử Hàn Quốc, là con gái của Li Thành Phủ viện quân Mẫn Trí Lộc (여성부원군 민치록/驪城府院君閔致祿) và Hàn Xương Phủ phu nhân (한창부부인/韓昌府夫人) họ Lý ở Hàn Sơn (한산이씨/韓山李氏). Theo một số nguồn, tên thật của bà là “Min Ja-yeong” (閔茲暎 – 민자영 – Mẫn Tư Ánh).
Nói thêm đôi chút về họ Mẫn ở Li Hưng – một đại gia tộc danh môn truyền lại nhiều đời – đã có 3 vị Vương phi xuất thân từ gia tộc này như trên trong lịch sử . Ngoài ra trong suốt 300 năm dưới thời Joseon từ thời Mẫn Duy Trọng thì họ Mẫn ở Li Hưng đã có 70 người đỗ Văn khoa, có 3 Phủ viện quân, chỉ tính riêng người có phẩm trực Chính tam phẩm Đường thượng quan thôi đã có 127 người. Có thể xem là một gia tộc hiển hách lâu đời dưới thời Triều Tiên. Được nuôi dưỡng trong một gia tộc như thế, dù bà đã mất cha khi lên tám, nhưng với sự dạy dỗ của mẫu thân và cha nuôi là Mẫn Thăng Hạo (민승호/閔升鎬) thì bà đã trở thành khuê tú danh giá.
Sau khi Vua Triết Tông (철종/哲宗) qua đời không có người thừa tự, Thần Trinh Vương hậu (신정왕후/神貞王后) của gia tộc Phong Nhưỡng Triệu thị (豐壤趙氏) khi đó đang là Đại Vương Đại phi, hiện đang nắm quyền nhiếp chính đã thông qua quyết định chọn một vị quân vương mới. Mùa thu năm 1864, con trai thứ hai của Hưng Tuyên Đại viện quân (흥선대원군/興宣大院君) được chọn làm người nối ngôi, lấy hiệu là Cao Tông (고종/高宗).
Khi Cao Tông được 15 tuổi, Vương thất quyết định chọn cho ông một Vương phi để củng cố quyền lực, Hưng Tuyên Đại viện quân muốn tìm kiếm một tiểu thư ít thân nhân nhất để không thể chi phối được quyền lực vương thất. Thông qua Li Hưng Phủ Đại phu nhân (여흥부대부인/驪興府大夫人), vợ ông đồng thời là mẹ của Cao Tông, cũng là một người trong gia tộc họ Mẫn, triều đình đã quyết định chọn con gái của Mẫn Trí Lộc trở thành Vương phi. Ngày 20 tháng 3 năm 1866, Minh Thành chính thức được sắc phong Vương phi của Triều Tiên, trở thành Quốc mẫu khi mới 16 tuổi.

Nữ chính trị gia vương giả
Từ ngày đầu bước đại vào cung, Minh Thành đã tỏ ra là người thông minh, nhanh nhạy và vô cùng quyết đoán. Vương phi đặc biệt quan tâm đến chính trị, quan hệ quốc tế, kinh tế… Mặc dù Hoàng gia không khuyến khích nhưng vương phi vẫn chuyên tâm nghiên cứu khoa học, triết học và tôn giáo.
Tuy nhiên, trong dân gian vẫn tồn tại lời truyền khẩu cho rằng, vương phi không phải là người ngay từ đầu muốn tham dự vào việc triều chính. Dù đã có chính cung, nhưng vua Cao Tông chỉ sủng ái những cung nữ dung nhan quyến rũ mà ít gần gũi bà, nên bà thường lấy việc đọc sách làm thú vui cho bớt cô quạnh. Chính những kiến thức thu được qua những cuốn sách này về sau đã trở thành bước đệm để vương phi tham gia vào việc triều chính giúp vua cai quản đất nước.
Nếu như các vương phi trước đây khi được trọn quyền cai quản hậu cung, họ thường tìm cách tạo vây cánh để củng cố quyền lực nhằm làm bệ đỡ vững chắc cho con cái hoặc người thừa tự thì với Minh Thành, bà lại có hướng đi khác.
Chính sử Joseon ghi nhận chính Mẫn Vương phi là người luôn đi đầu trong xúc tiến cải cách hệ thống cầm quyền bằng sự sáng suốt và thiên khiếu ngoại giao xuất chúng của mình được vận dụng trong đường lối làm vững mạnh quyền tự chủ quốc gia thông qua việc hiệp thương với các cường quốc trên thế giới.
Tới nay, những ghi chép về Mẫn Vương phi vẫn còn được lưu lại trong văn khố nhiều nơi trên thế giới. Isabella Bird Bishop, nhà địa lý học và là Hội viên hội Địa lý Hoàng gia Anh Quốc từng có thời gian sinh sống ở Triều Tiên vào giai đoạn cuối, đã miêu tả Mẫn Vương phi “có cặp mắt lạnh và sắc sảo, được người này tiếp chuyện, tôi có ngay ấn tượng về phong thái cao quý và trí tuệ mẫn tiệp”.
William F. Sands, Chánh tòa công sứ Mỹ thì nhìn nhận: “Bà là một nữ chính trị gia vĩ đại vượt lên trên thời đại và giới hạn tầm thường của nữ giới vương quốc Triều Tiên”. Còn Miura, công sứ người Nhật cũng đã có những ghi chép cho thấy sự cảm phục và dè chừng đối với bà: “Khi tiếp kiến vua, tôi thấy hoàng hậu khẽ đến bên nói giúp vua, hoàng hậu tỏ ra là người có nhiều tài năng, không hề sơ suất”.
Mẫn Vương phi hạ sinh được 2 người con trai, nhưng hoàng tử đầu sớm qua đời. Rất nhiều lời đồn cho rằng, chính nhiếp chính đại thần Hưng Tuyên Đại Viện Quân đã ngầm ra lệnh cho thái y kê thuốc sai khiến cho hoàng tử thể lực dần suy kiệt và khi lâm bệnh thì không ai bắt được đúng bệnh. Lời đồn đó lý giải vì sao Mẫn Vương phi càng ngày càng bộc lộ rõ thái độ chống lại sự độc đoán, can thiệp cả vào việc nước lẫn việc nhà của người cha chồng này.
Hơn nữa, vào giai đoạn này, Hưng Tuyên Đại Viện Quân cũng đang khiến lòng dân ta thán bởi nhiều quyết định cứng rắn và không thỏa đáng, như chính sách bế quan tỏa cảng, bài xích các ngoại giao đoàn nước ngoài hay lệnh cho xây sửa lại cung Gyeongbok (cung Cảnh Phúc) tiêu tốn một khoản lớn của quốc khố.
Ánh sáng cuối cùng của triều đại Joseon
Năm 1873, nhân có bản tấu của viên quan tên là Thôi Ích Huyễn (최익현/崔益鉉) lên án các chính sách cùng đường lối ngoại giao sai lầm của Hưng Tuyên Đại viện quân, vua Cao Tông và Mẫn Vương phi đã tuyên bố sẽ trực tiếp đứng ra giải quyết việc triều chính, rút bỏ hoàn toàn quyền lực của cha mình.
Được làm chủ trong chính sự, vua Cao Tông đã bỏ chính sách đóng cửa trước đây của Hưng Tuyên Đại Viện Quân. Trước tình cảnh nền kinh tế đất nước bị đình đốn do thương nhân trong nước không cạnh tranh nổi với thương nhân Nhật Bản, Mẫn Vương phi đã có ý muốn hiện đại hóa triều đình Joseon vốn đã quá lạc hậu. Năm 1881, sau chuyến thăm Nhật Bản, được sự đồng tình của Vua Cao Tông, bà đã âm thầm đấu tranh ngoại giao với các cường quốc Nhật, Trung Quốc, Nga; đưa ra kế sách hiện đại hóa quân sự và nghiên cứu sâu rộng các mô hình kinh tế phương Tây.
Nhà vua cảm phục tài cầm quyền khôn ngoan của vợ nên tình cảm giữa họ ngày càng gắn bó. Một mặt, Mẫn Vương phi tích cực quan hệ với nhà Thanh nhằm giảm bớt ảnh hưởng của người Nhật tại Joseon; mặt khác, bà cũng đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với Mỹ nhằm đưa ngành công nghiệp vương triều Joseon vượt qua Nhật Bản.
Tuy nhiên, tình hình chính sự ngày càng rối ren bởi những mâu thuẫn với thế lực cũ, sự đối lập với cha là Hưng Tuyên Đại Viện Quân, cùng với mối đe dọa xâm chiếm của Nhật Bản và các cường quốc phương Tây. Trong bối cảnh đó, năm 1882 đã xảy ra cuộc nổi dậy của quân đội gọi là sự kiện “quân loạn năm Nhâm Ngọ”, thể hiện sự bất mãn của lực lượng binh sĩ đối với quân đội theo hình thức mới du nhập vào từ phương Tây. Mẫn Vương phi bấy giờ phải đối đầu trước nhiều khó khăn đến mức phải rời khỏi cung để lánh nạn. Nhưng chính trong tình cảnh ấy, bà đã phát huy được khả năng ngoại giao sắc sảo, nhanh nhẹn của mình, nhờ được nhà Thanh, Trung Quốc hỗ trợ giành lại chính quyền.
Không chỉ có thế, sau sự kiện chiếm đảo Geomun của Anh vào năm 1885 Mẫn Vương phi cũng đã cử cố vấn ngoại giao người Đức là Möllendorff sang Nhật Bản hiệp thương với Anh để giải quyết vấn đề. Năm 1894, trải qua các cuộc nổi dậy của phong trào nông dân Donghak (Đông học), qua cuộc chiến giữa nhà Thanh (Trung Quốc) và Nhật Bản, người Nhật ngày càng can thiệp sâu hơn vào tình hình chính trị của triều đại Joseon. Để ngăn chặn dã tâm xâm chiếm của Nhật, Mẫn Vương phi đã chọn chính sách thân Nga, thể hiện rõ ý chí đối đầu với Nhật.
Thế kỉ 19 là giai đoạn xảy ra nhiều cuộc chiến tranh giành lãnh thổ của các nước lớn trên thế giới. Một nước nhỏ như Joseon thời bấy giờ chỉ còn cách tận dụng sự chia tách của các nước lớn này. Để làm được điều đó, đòi hỏi người lãnh đạo phải có một năng lực hoạt động chính trị hết sức sắc bén, gây dựng được thanh thế cho quốc gia. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Mẫn Vương phi đã luôn tìm kiếm đường đi nước bước, đứng ra định hướng mọi việc chính sự quốc gia. Nhận thấy bà là vật cản lớn nhất trong cuộc xâm chiếm Joseon của mình, đế quốc Nhật đã cho người đột nhập vào cung sát hại bà, gây nên “Biến sự năm Ất Mùi” (20/8/1895).
Việc hoàng hậu bị thế lực bên ngoài giết hại đã khiến tình hình trong nước sôi sục, xuất hiện nhiều hoạt động đòi trả thù rửa hận, dấy lên một phong trào chống Nhật của “Nghĩa binh năm Ất Mùi” (năm 1895), mà sau này nó được tiếp nối, phát triển thành phong trào vận động độc lập của Hàn Quốc. Tháng 2 năm 1896, Vua Cao Tông đã lẻn ra khỏi hoàng cung, chạy đến tòa công sứ Nga tại Triều Tiên xin tị nạn. Năm 1897, sau khi quay lại hoàng cung, Cao Tông liền đổi quốc hiệu thành Đại Hàn đế quốc và truy phong Mẫn Vương phi đã ngã xuống vì nền độc lập tự cường quốc gia thành Minh Thành Hoàng hậu. Tuy nhiên đến năm 1910 thì đất nước vẫn rơi vào tay của đế quốc Nhật. Như vậy, có thể xem Minh Thành Hoàng hậu là nhân vật tượng trưng cuối cùng cho chủ quyền của triều đại Joseon. Bà chính là vị quốc mẫu chân chính, người đã hi sinh để tìm đường cứu nước trong lịch sử của Hàn Quốc.