Nghi lễ vòng đời là những nghi lễ được tiến hành trong cuộc đời của con người, từ khi sinh ra đến khi qua đời. Hôm nay hãy cùng NEWSKY tìm hiểu về các nghi lễ ở trạm dừng đầu tiên của vòng đời này nhé.
1. 삼칠일 (3 tuần sau sinh)
삼신 (三神 할머니) – Samshin Halmoni hay Samsin Halmoni là vị thần tổ mẫu cai quản sự sinh nở và vận mệnh trong thần thoại Triều Tiên. Samshin Halmoni thường xuất hiện với hình dạng là ba bà lão cùng một lúc. Halmoni tiếng Hàn là bà ngoại (Grandmother), thể hiện sự tôn kính với những vị thần thuỷ tổ, tiêu biểu cho sự sáng suốt và hiểu biết. Ở Hàn, có một ngọn núi được đặt tên dựa theo Samshin Halmoni là Samsinbong còn gọi là Đỉnh Tam Hồn.
Samshin Halmoni sẽ bảo vệ cho đứa trẻ từ lúc chào đời đến năm bảy tuổi, khi này nó sẽ thuộc sự bảo hộ của vị thần chưởng quản bảy vì sao – Chòm Đại Hùng Tinh.
Ở ngày thứ ba và ngày thứ bảy sau khi sinh, quần trong của người mẹ sẽ được gấp lại và đặt tại nơi trú ngụ của Samshin. Người ta sẽ đặt một cái bàn thờ nhỏ lên trên và dâng một bát hoặc ba bát cơm và canh rong biển lên. Sau đó thực hiện những nghi lễ cầu chúc cho sức khoẻ của người mẹ và đứa trẻ tại đây. Ngay cả trong quá trình đứa trẻ lớn lên, các loại bệnh tật khác nhau cũng có khả năng sẽ xảy ra liên tục, vì vậy nghi lễ dành cho samshin cũng sẽ được thực hiện liên tục. Phụ nữ Hàn Quốc thường sùng bái Samshin trong nhà mình, và bài vị của bà ấy có thể được thấy dưới dạng một loại giấy gấp lại hoặc rơm sạch treo ở góc nhà.
Người bố (chỉ người đàn ông được thực hiện công việc này) sẽ treo nhiều sợi dây được bện bằng rơm sạch, có đính một số quả ớt đỏ và dải khăn trắng – gọi là Kumjul (금줄), ở trước cổng nhà để chống tà ma làm hại em bé cũng như thông báo cho láng giềng rằng gia đình có trẻ mới sinh. Nếu như nhà nào treo thêm lá thông đỏ trên những sợi dây này, thì điều này mang ý nghĩa thông báo rằng em bé được sinh ra là bé gái.
Trong giai đoạn này, gia đình hoặc người hàng xóm không được ra vào, đặc biệt là những người đã đi đến những nơi không chính đáng thì tuyệt đối không được ra vào. Thông thường, sau khi đứa trẻ được sinh ra, người Hàn Quốc gọi ngày thứ 7 sau khi sinh là đầy 1 tuần, ngày thứ 14 là ngày đầy 2 tuần, ngày thứ 21 là ngày đầy 3 tuần và tổ chức các sự kiện theo đó.
- Vào ngày đầy 1 tuần, sản phụ được ăn cơm trắng và canh rong biển sau khi dâng lên Samsin vào sáng sớm, em bé được thay mặc áo mới và một tay được để tự do.
- Ngày đầy 2 tuần, sản phụ cũng được ăn với cơm trắng và canh rong biển đã dâng lên Samsin vào lúc bình minh. Em bé thay đổi vào quần áo mới và để hai tay tự do.
- Vào ngày đầy 3 tuần, họ cũng đưa cơm trắng và canh rong biển cho Samshin vào lúc bình minh. Sau đó người mẹ sẽ ăn chúng, rồi hạ sợi dây vàng xuống và cho phép hàng xóm vào. Tùy theo hoàn cảnh gia đình mà họ chuẩn bị những món ăn như bánh bao cao lương, baeksulgi (백설기) mời họ hàng và khách khứa.
2. 백일 (Tiệc 100 ngày)
Nghi lễ sẽ được bắt đầu từ việc chuẩn bị bàn thờ cho Samshin. Gia đình vẫn sẽ dâng lên canh rong biển và cơm trắng, bà của người mẹ hoặc bà của đứa bé sẽ ngồi ngay trước Samshin và cầu nguyện sức khỏe, tuổi thọ cùng phước lành cho đứa bé. Thông thường sau khi sinh, người ta cũng sẽ lấy nhau thai của em bé và cho vào một chiếc bình, sau đó chôn xuống đất nơi có phong thuỷ tốt với hy vọng em bé sẽ được lớn lên khỏe mạnh.
Để cầu nguyện sự giàu có, tuổi thọ và may mắn cho đứa trẻ người Hàn Quốc thường chia bánh Ttok (떡) cho hàng xóm láng giềng. Những gia đình nhận được bánh Ttok sẽ đặt vào bát cuộn chỉ, gạo hoặc tiền. Cuộn chỉ mang ý nghĩa chúc bé khoẻ mạnh và sống lâu. Gạo và tiền chứa đựng mong ước trở nên giàu có. Vào lễ 100 ngày, gia đình sẽ cùng nhau ăn uống và tặng quà cho em bé. Trong đó bao gồm các món ăn truyền thống không thể thiếu là 국수 – Mì, 수수 팥떡 – Bánh Tteok đậu đỏ, 백설기 – Bánh Tteok trắng.
Ý nghĩa của 3 món trên:
- 국수 (Mì): những sợi mì dài tượng trưng cho sự trường thọ với ý nghĩa cầu mong cho em bé bình an, sống lâu.
- 수수 팥떡 (Bánh Tteok đậu đỏ): Màu đỏ của bánh sẽ giúp xua đuổi tà ma.
- 백설기 (Bánh Tteok trắng): tượng trưng cho sự thuần khiết, ngây thơ và trong sáng của em bé.
3. 돌잔치 (Tiệc thôi nôi)
Vì trước đây khi điều kiện sống không được sung túc và kỹ thuật y tế còn kém phát triển, tỉ lệ các bé chết yểu hay ốm yếu trong những tháng đầu tiên mới chào đời thường rất cao. Nếu em bé vượt qua được mốc một năm tuổi sẽ là một sự kiện rất đáng mừng với gia đình. Lúc này người ta sẽ tổ chức sinh nhật đầu tiên hay còn là ngày chúc mừng 1 năm đầu tiên của cuộc đời đi qua không ốm đau và cầu chúc cho em bé lớn lên khoẻ mạnh.
Tiệc thôi nôi sẽ được làm theo hình thức đơn giản, truyền thống. Vào buổi sáng kỷ niệm tròn một năm ra đời của em bé, người nhà như thường lệ sẽ chuẩn bị mâm cúng Samshin để cầu phúc cho bé. Sau đó cả nhà sẽ cùng ăn cơm trắng và canh rong biển, một loại canh nhất định phải có trong ngày sinh nhật. Vào ngày này bố mẹ của đứa trẻ sẽ chuẩn bị nhiều bánh tokk và trái cây để chia cho hàng xóm. Hàng xóm khi nhận được quà sẽ cho lại gạo hoặc tiền để chúc mừng cho đứa trẻ.
Trong cuộc sống ngày nay thì tiệc thôi nôi được làm trang trọng và nhiều nghi thức hơn. Trước ngày thôi nôi bố mẹ sẽ cho bé đi chụp album ảnh. Khi đến buổi tiệc ta sẽ thấy được những bức ảnh này treo từ ngoài vào trong thể hiện sự lớn lên của đứa bé trong một năm kể từ khi sinh ra.
Trong bữa tiệc, em bé sẽ được mặc cho một bộ quần áo đặc biệt khác với thường ngày gọi là Dolbok (돌복). Màu sắc được sử dụng trên Dolbok được gọi là 오방색 gồm 5 màu đen – 흑색, trắng – 백색, vàng – 황색, đỏ – 적색, xanh – 청색 tượng trưng cho âm dương ngũ hành – 음양오행 mang ý nghĩa xua đuổi tà khí, cầu mong cho các em bé được bình an, mạnh khỏe.
Cùng với Dolbok các em bé còn được bố mẹ đeo cho một chiếc thắt lưng đặc biệt gọi là 돌띠. Trên chiếc thắt lưng đó sẽ treo những chiếc túi nhỏ gọi là Bokjumoni (돌주머) có chứa các loại hạt ngũ cốc ở trong vói ý nghĩa cầu chúc sự giàu có và vinh hoa phú quý.
Người Hàn cũng có phong tục đặt đồ đạc trước mặt em bé và cho em bé trẻ chọn. Phong tục chọn đồ để cầm như thế này được gọi là Toljap (돌잡). Ngoài những đồ vật tượng trưng cho nghề nghiệp theo truyền thống, cùng với sự đa dạng của nghề nghiệp hiện nay, người ta cũng đặt vào đó nhiều loại đồ vật mới hơn. Hình thức pha trộn giữa truyền thống và hiện đại này được gọi là 퓨전 돌잔치.
Một số đồ vật thường thấy trong nghi thức này:
- 실 – Chỉ: tượng trưng cho sự trường thọ.
- 돈 – Tiền: tượng trưng cho sự phú quý.
- 책 – Sách , 연필 – Bút chì , 중이 – Giấy: tượng trưng cho tri thức, mong em bé học hành thành đạt.
- 컴퓨터 마우스 – Chuột máy tính: mang ý nghĩa sẽ làm nghề làm IT.
- 공 – Quả bóng: em bé lớn lên sẽ làm cầu thủ bóng đá.
- 마이크 – Ca sĩ: nghề nghiệp sau này sẽ làm ca sĩ.
- 청진기 – Ống nghe bác sĩ: sẽ trở thành bác sĩ.
Trước kia người Hàn Quốc thường tặng nhẫn vàng (금반지) cho em bé và chiếc nhẫn này còn được gọi là 돌반지. Đây không chỉ là món quà có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn biểu tượng cho sự bền vững, cầu mong cho em bé được khỏe mạnh, sống lâu.
Cuối bữa tiệc bố mẹ sẽ đại diện gia đình phát biểu và cảm ơn mọi người đã đến dự bữa tiệc. Trước khi ra về khách mời còn nhận được một túi quà nhỏ từ gia đình. Ngày nay, món quà này thường được các ông bố bà mẹ rất chú trọng. Họ thường làm sao cho thật độc đáo để tạo ấn tượng cho bữa tiệc thôi nôi của con cái họ.