Vương hậu Dangyeong hay Đoan Kính Vương hậu (단경왕후/端敬王后), sinh ngày 7 tháng 2 năm 1487 và mất ngày 27 tháng 1 năm 1557, bà là Vương hậu đầu tiên của Vua Trung Tông (중종/朝鮮中宗) thuộc triều đại Joseon.
Bà vốn có xuất thân từ dòng tộc Cư Xương Thận thị (居昌慎氏), là con gái của Ích Xương Phủ viện quân Thân Độ công Thận Thủ Cần (신수근/慎守勤) và Thanh Nguyên Phủ phu nhân Thanh Châu Hàn thị (淸原府夫人淸州韓氏). Trước khi cha bà lấy mẹ bà, ông đã có một chính thất là Vĩnh Gia Phủ phu nhân An Đông Quyền thị (永嘉府夫人安東權氏) nhưng mất sớm.
Năm 1499 (năm Yên Sơn Quân thứ 5), bà thành hôn với Trung Tông khi đó là Tấn Thành đại quân (晉城大君), ông là em trai cùng cha khác mẹ với Vua Yên Sơn Quân (연산군/燕山君), lúc ấy chỉ mới 11 tuổi. Do là nguyên phối của một Đại quân nên bà nhận phong hiệu Phủ phu nhân (府夫人), không rõ quận hiệu là gì. Theo vai vế, bà gọi Vương phi Thận thị của Vua Yên Sơn Quân là cô mẫu, do cha bà Thận Thủ Cần là anh ruột của Vương phi. Không rõ tình cảm của đôi vợ chồng chưa đến tuổi vị thành niên nhưng theo nhiều tài liệu lịch sử ghi chép lại, Tấn Thành đại quân dành nhiều sự cảm mến cho Đoan Kính vương hậu.
Thế nhưng, đằng sau cuộc hôn nhân được sắp đặt này thực chất là âm mưu chính trị của cha bà Thận Thủ Cần. Theo thứ bậc, ông là anh rể của Vua Yên Sơn Quân, không ngần ngại hy sinh hạnh phúc của con gái để củng cố quyền lực nơi triều chính.
Về phía Yên Sơn Quân, ông được xem là vị bạo chúa khét tiếng nhất trong lịch sử Joseon. Mất mẹ khi mới 6 tuổi, Yên Sơn Quân lên ngôi vua như một con cờ của cuộc chiến vương quyền. Sau này lớn lên và biết được mẫu thân do bị ép uống thuốc mà qua đời, Yên Sơn Quân bắt đầu trở nên ngông cuồng. Ông lên kế hoạch thanh trừng tất cả những người đã từng làm hại mẹ mình đến chết. Yên Sơn Quân không tin bất cứ ai, duy chỉ có xem hận Thủ Cần là cận thần đáng tin tưởng, giao cho ông đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Triều chính từ trên xuống dưới đều bức xúc trước cách hành xử của Yên Sơn Quân. Thậm chí, dân thường cũng tỏ ra phẫn nộ và thường xuyên chế nhạo ông vua cuồng bạo. Điều này càng khiến Yên Sơn Quân thêm tức giận. Ông cấm mọi người sử dụng chữ viết, ra lệnh người dân khắp đất nước phải cống nạp các cô gái trẻ và ngựa để phục vụ cho nhu cầu giải trí của mình.
Năm 1506, các quan đại thần, đứng sau là mẹ của Tấn Thành đại quân, bắt đầu chiến dịch lật đổ ngôi vị đế vương của Yên Sơn Quân. Yên Sơn Quân bị giáng xuống làm hoàng tử và lưu đày ở Ganghwado (Giang Hoa đảo), nơi ông qua đời trong năm 1506 ở tuổi 29.
Sau khi Vua Yên Sơn Quân bị phế truất, Tấn Thành đại quân lên làm vua, lấy hiệu là Trung Tông, trở thành quốc vương thứ 11 của triều đại Joseon. Đoan Kính trở thành hoàng hậu tuy nhiên bà chỉ ngồi ở vị trí trung điện trong vỏn vẹn 7 ngày.
Vì là trung thần của Yên Sơn Quân, Thận Thủ Cần không tránh khỏi cái chết trong cuộc thanh trừng. Đoan Kính Vương hậu chưa kịp tận hưởng niềm vui lên ngôi mẫu nghi thiên hạ đã phải ngậm ngùi, nuốt nước mắt tiễn cha về nơi chín suối. Phụ thân mang tội phản quốc, phận làm con gái không tránh khỏi sự trừng phạt. Tất cả các quan thần đồng loạt tạo áp lực lên nhà vua, buộc phải phế truất Đoan Kính Vương hậu. Do sự việc này, hoàng hậu bị phế truất và trục xuất khỏi cung điện.
Vua Trung Tông lúc đó chỉ mới 18 tuổi, ông không thể làm gì để giúp vợ mình dù đó là người mà ông hết mực yêu thương. Trung Tông là một vị vua giỏi và có năng lực, đặc biệt là trong thời kỳ cải cách. Tuy nhiên, các nhà sử học đánh giá rằng ông không phải một vị vua nắm thực quyền do bị nhiều quan viên thao túng.
Về phía Đoan Kính Vương hậu, sau khi bị phế truất, bà buộc phải rời cung điện và bị đưa đến núi Inwang (ngọn núi hiện nằm ở Seodaemun-gu, khu vực trung tâm của Seoul, Hàn Quốc). Chính vì lẽ đó, vương hậu Dangyeong trở thành vị trung hậu có thời gian tại vị ngắn ngủi nhất trong lịch sử Joseon, chỉ 7 ngày ngắn ngủi.
Theo nhiều điển tích kể lại, sống trong hoàng cung nhiều phi tần nhưng lòng vua Trung Tông vẫn một mực hướng về núi Inwangsan tìm kiếm bóng dáng người thương. Biết được điều đó, Đoan Kính Vương hậu đã treo lên trên mỏm đá núi một chiếc Chima (phần váy của quốc phục Hanbok) mà bà thường mặc lúc còn ở hậu cung ngày xưa, như một báo lời đáp ân tình của nhà vua. Người đời sau này gọi mỏm đá đó là đá Chima.
Đoan Kính Vương hậu không có con và qua đời một mình ở tuổi 71 vào năm 1557. Sau khi qua đời, bà được chôn cất ở bãi đất gia đình khu Olleung, tỉnh Gyeonggi và trên bia mộ không được đề thuỵ hiệu. Mãi đến năm 1739, dưới thời Vua Anh Tổ (영조/英祖), bà được truy thuỵ và hồi phục chức danh.
Câu chuyện cuộc đời bi thương của Đoan Kính Vương hậu khiến người đời không khỏi xót xa. Từ khi còn nhỏ đến tận lúc chết đi trong cô độc, bà chưa một lần được tự quyết định số phận. Đến ước mơ nhỏ nhoi được sống hạnh phúc, yên bình bên người mình yêu cũng không thể thực hiện vì những trận chiến tranh giành quyền lực không hồi kết chốn cung cấm.
Năm 2017, đài KBS sản xuất phim truyền hình “Vương hậu 7 ngày” dựa trên câu chuyện về cuộc đời đáng thương của Đoan Kính Vương hậu.