Lễ Chuseok còn được biết đến như ngày lễ tạ ơn của Hàn Quốc. Bản thân từ “Chuseok” có nghĩa là thu tịch (đêm thu), đêm trăng rằm đẹp nhất vào tháng 8 âm lịch. Tục ngữ Hàn Quốc có câu: “Nông dân tháng 5, thần tiên tháng 8” để ám chỉ vào tháng 5, người nông dân phải vất vả, bận rộn với mùa màng nhưng đến tháng 8, khi việc đồng áng trong một năm đã dần bước vào giai đoạn thu hoạch thì có thể rảnh rang nghỉ ngơi như thần tiên, vụ xuân cũng sẽ nhàn nhã hơn, không phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” nữa. Đặc biệt họ cũng sẽ chơi các trò chơi dân gian và thưởng thức những món ăn truyền thống cùng bạn bè và gia đình. Hôm nay hãy cùng NEWSKY khám phá các hoạt động và ẩm thực tiêu biểu vào ngày đại lễ này nhé!

1. Các trò chơi dân gian 

Ganggangsulae (강강술래)

Trong điệu nhảy này, những người phụ nữ mặc Hanbok cùng nắm tay tạo thành một vòng tròn và cùng nhau hát trong đêm trăng tròn vụ mùa hoặc vào ngày lễ Chuseok. Có nhiều câu chuyện về nguồn gốc của điệu nhảy này. Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất kể rằng điệu nhảy này có từ Triều đại Joseon (1392-1910) khi quân đội Hàn Quốc cho phụ nữ trẻ trong làng mặc quân phục và đứng thành vòng tròn quanh núi để trông giống như quân đội Hàn Quốc có số lượng đông hơn thực tế khi nhìn từ phía đối phương. Quân đội Hàn Quốc đã giành được nhiều chiến thắng một phần nhờ có chiến thuật nghi binh này.

Trong xã hội nông nghiệp, trăng rằm là biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở, rất tương đồng với chức năng và biểu tượng sinh sản, gieo mầm và phát triển sự sống của người phụ nữ. Trò chơi Ganggangsulae trong ngày rằm là sự thăng hoa, là bài ca về cái đẹp của thiên nhiên và người phụ nữ.

Juldarigi (줄다리기) – Kéo co

Đây là trò chơi phổ biến dành cho tất mọi lứa tuổi. Các đội được phân chia đồng đều về số người, giữa các thôn xóm, các làng cũng có thể chia đội với nhau để thi thố. Số người tham gia càng đông thì sợi dây càng dày, càng to và thời gian thi càng kéo dài.

Tiếng trống dồn dập, tiếng hò hét, tiếng cười và những khuôn mặt hăng say lấp lánh mồ hôi khiến cho bầu không khí của ngày lễ Chuseok thêm rộn ràng, vui nhộn.

Ssireum (씨름) – Đấu vật

Trong những ngày lễ Chuseok, môn đấu vật là trò chơi không thể thiếu để các chàng trai thể hiện sức mạnh của mình.

Trên bãi cỏ hoặc trên bãi cát, các cuộc thi đấu sẽ được tổ chức theo hình thức loại trực tiếp, người chiến thắng là người trụ lại đến cuối cùng và được tôn vinh là Jangsa (장사 – tráng sĩ) và được nhận rất nhiều các giải thưởng của dân làng như vải, gạo, hoặc một con bê.

Geobuk (거북놀이) – Trò chơi rùa

Ở các làng quê, người Hàn Quốc rất thích mặc trang phục cải trang thành bò hay rùa rồi đi khắp làng, vừa đi vừa hát bài nongak. Hai người đàn ông trên hai tay và từ hai đầu gối trở lên được bọc một miếng vỏ lớn như mai rùa làm bằng rơm rạ. Hai con rùa này được một nhóm người đàn ông khác dắt từ nhà này sang nhà kia. Đến mỗi nhà, người lái rùa lại nói với chủ nhà cho rùa chút gì để ăn và chủ nhà mang ra bánh, thức ăn và hoa quả.

Sau đó người lái rùa lại nói với con rùa: thưa ông rùa, ông sẽ ăn một bữa no nê và nhảy múa nhé. Con rùa sẽ đứng dậy và nhảy múa một lúc rồi sang nhà khác và lặp lại như thế. Trò chơi này xuất phát từ niềm tin rằng rùa sẽ mang đến cho mỗi nhà tuổi thọ, sự may mắn, đồng thời xua đuổi những linh hồn xấu xa.

Yutnori (윷놀이) – chơi gậy

Yutnori, hay còn được gọi là Yunnori, Yut là một trò chơi lâu đời ở Hàn Quốc, đặc biệt là vào ngày Seolla (Tết cổ truyền). Tuy nhiên ta vẫn có thể chơi trong dịp Chuseok.

Yutnori (윷놀이) là trò chơi gậy, chơi bằng cách di chuyển các quân cờ trên bàn cờ. Lấy gậy làm xúc xắc. Dụng cụ chơi bao gồm 1 bàn chơi, có thể làm bằng vải hoặc gỗ, hình vuông hoặc hình tròn và gậy yut. Gậy yut bao gồm 4 cây gỗ theo hình trăng khuyết, một mặt trên có khắc chữ được gọi là yut. Đường đi của những cây gậy yut này tượng trưng cho sự vận động của hành tinh mặt trời. Còn ý nghĩa hẹp hơn là cầu mong một năm mới sung túc.

Những cây gậy này có kích thước khá lớn, vừa tay người ôm. Một mặt có 4 dấu X, một mặt không có hình, nhìn hình dáng hơi giống một chiếc bánh mì. Khi chơi, người chơi sẽ tung 4 cây gậy yut lên để xác định các bước đi trên bàn chơi.

Jegichagi (제기차기) – đá cầu

Jegichagi là một trò chơi ngoài trời truyền thống của Hàn Quốc có nguồn gốc từ trò chơi Cuju của Trung Quốc, trong đó người chơi đá một chiếc jegi bằng giấy lên không trung và cố gắng giữ nó ở trên cao. Từ 제기차기 là sự kết hợp của 2 từ 제기 (trái cầu) và 차기 (dùng chân để đá). Một chiếc jegi tương tự như một quả cầu, và được làm từ giấy bọc xung quanh một đồng xu nhỏ.

Jegichagi rất được trẻ em Hàn yêu thích vào mỗi dịp Seolla và Chuseok. Trò chơi này có thể chơi một mình hoặc chơi theo nhóm.

2. Ẩm thực tiêu biểu

Bánh Songpyeon (송편)

Nếu như gà Tây không thể thiếu được trong ngày lễ Tạ ơn của người Mỹ thì bánh Songpyeon (송편) cũng không thể thiếu được trong ngày lễ Chuseok của người Hàn Quốc. Songpyeon là một loại bánh gạo đặc biệt, được làm từ các nguyên liệu bổ dưỡng cho sức khỏe như bột gạo, đỗ xanh, hạt dẻ, đậu đỏ, mè, dầu, lá thông và lá dừa.

Người Hàn Quốc tin rằng, những cô dâu tương lai khéo tay nặn những chiếc bánh Songpyeon đẹp đẽ, thơm ngon thì sẽ lấy được một người chồng tốt nết, đẹp trai. Còn những ai đã có gia đình và đang mang bầu, thì sẽ sinh con gái ngoan ngoãn, giỏi giang và xinh xắn, đáng yêu như mặt trăng vậy.

Phụ nữ Hàn chuẩn bị nguyên liệu làm bánh rất công phu. Họ làm bánh bằng tất cả trái tim của mình, cố gắng làm được những chiếc bánh songpyeon đẹp nhất, ngon nhất để thờ cúng tổ tiên. Khi bánh bày ra đĩa phải xếp úp (thể hiện con cháu cúi đầu tưởng nhớ ông bà), còn khi bày ra bàn để mọi người thưởng thức thì xếp ngửa bánh lên.

Truyền thống làm bánh songpyeon bắt đầu từ thời Koryo. Người Koryo làm bánh với ý nghĩa mong năm sau có một mùa màng bội thu. Đối với người Trung Quốc, ý niệm tròn (viên) của trăng luôn gắn với cảnh quây quần đoàn tụ của gia đình, cùng nhau ăn mừng ngắm trăng nên bánh trung thu có hình tròn. Trong khi đó, bánh trung thu của Hàn Quốc ban đầu có hình tròn, nhưng ở công đoạn cuối cùng, người ta lại nặn bánh thành hình bán nguyệt.

Hình dạng này không phải ngẫu nhiên mà đã có lịch sử từ thời hoàng đế thứ ba của vương quốc Silla. Truyền thuyết kể lại rằng hai hình mặt trăng tròn và hình bán nguyệt thể hiện sự cai trị của hai vương quốc Baekje và Silla. Trong suốt thời kỳ cai trị của vua Uija vương quốc Baekje, có một dòng chữ được khắc trên mai rùa Baekje là mặt trăng tròn, còn Silla là mặt trăng hình bán nguyệt. Đây là một mật mã gây nhiều bối rối, và nhiều người Hàn Quốc xưa cho rằng điều này mang ý nghĩa dự đoán rằng triều đại Baekje sắp diệt vong và triều đại Silla sẽ bắt đầu. Cuối cùng, điều đó cũng trở thành sự thật, quân Silla đã đánh bại quân Baekje.

Vì vậy, người Hàn Quốc tin rằng bánh hình bán nguyệt tượng trưng cho một tương lai tươi sáng, hứa hẹn có nhiều điều tốt đẹp. Đây cũng chính là lý do tại sao nhiều gia đình tụ họp bên nhau để ăn bánh Songpyeon hình bán nguyệt, dưới ánh sáng của trăng rằm tròn đầy để cùng mong ước cho mùa thu hoạch năm sau bội thu.

Toranguk (토란국) – Canh khoai sọ

Khoai sọ, tiếng Hán còn được gọi là Thổ noãn – nghĩa là trứng dưới lòng đất. Vì khoai sọ chứa nhiều tinh bột và có nhớt nên khi chế biến, nhất thiết phải luộc qua nước muối hoặc nước vo gạo. Canh khoai sọ thường được ninh cùng với ức bò hoặc gân bò và được coi là món canh bổ dưỡng, thanh đạm rất thích hợp để thưởng thức vào mùa thu.

Rượu Baekju (백주) – Rượu trắng

Ngày lễ Chuseok là dịp để người Hàn Quốc làm Lễ Tạ ơn, thể hiện sự hào phóng và tình cảm biết ơn của họ đối với những người đồng hương. Trước đây, người dân Hàn Quốc quanh năm chỉ mong chờ đến ngày Chuseok để cùng nhau thưởng thức, chia sẻ với bạn bè, gia đình và ngay cả những người không quen biết món rượu 백주 (rượu trắng).

Nhưng hiện nay, thói quen này dần mất đi vì không cần tới ngày Chuseok cũng có thể mua được loại rượu này ở khắp nơi.

Hồng (감) – Hồng khô (곶감)

Trái cây không thể thiếu trong lễ Chuseok là quả hồng. Mùa thu hoạch hồng của Hàn Quốc thường vào tháng 9 và tháng 10. Trái có vị ngọt, không chát (ngay cả khi chưa chín) với độ giòn và hương vị thanh mát đặc trưng của mùa thu Hàn Quốc.

Ở Hàn, quả hồng khô được sử dụng để tăng thêm hương vị truyền thống cho rượu, dùng làm sujeonggwa (một loại nước từ quả hồng với quế, gừng và đường, uống vừa ấm người, ngọt và thơm).

Một số món ăn phổ biến khác

Jeon (전)
소갈비 찜 (sườn om)
한과 (bánh kẹo truyền thống)
잡채 (japchae)
삼색나물 (rau tam sắc)
식혜 (sikhye)
Tự tin thành thạo tiếng Hàn với khóa học online. Chỉ từ 399k/khóa.

BẠN CẦN TƯ VẤN HỌC TIẾNG HÀN?

Vui lòng nhập thông tin dưới đây để được Tư Vấn & Hỗ trợ miễn phí về các Khóa học Tiếng Hàn cùng nhiều chương trình Ưu Đãi hấp dẫn dành cho bạn.