Tiền là một trong những thứ quan trọng nhất của mỗi quốc gia. Nhờ có tiền, thì việc giao thương trở nên dễ dàng hơn. Chính vì thế, việc chọn lựa những hình ảnh những nhân vật để in lên trên mỗi mặt tiền đều mang ý nghĩa quan trọng. Thông thường những hình ảnh được lựa chọn đều là những hình ảnh thuộc về di sản của quốc gia, là sự tiêu biểu cho quốc gia đó. Còn những nhân vật được lựa chọn, đều là những nhân vật nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng trong lịch sử. Tiền giấy của Hàn Quốc cũng vậy. Đặc biệt trên tờ tiền với mệnh giá cao nhất 50.000 won còn xuất hiện hình ảnh của một người phụ nữ. Hôm nay hãy cùng NEWSKY tìm hiểu về người phụ nữ này và câu chuyện đằng sau đó nhé!
Shin Saimdang hay Thân Sư Nhâm Đường (신사임당) sinh ngày 29 tháng 10 năm 1504 và mất vào ngày 17 tháng 5 năm 1551. Bà là nữ thi sĩ, danh hoạ, văn sĩ, nhà thư pháp tiêu biểu dưới triều đại Joseon, đồng thời cũng là thân mẫu của học giả Nho giáo nổi tiếng Yi I (Lý Nhị). Bà được website của Chính phủ mô tả là “tấm gương đẹp nhất về tình mẫu tử trong lịch sử Hàn Quốc” và được người đời truy tôn với danh hiệu Eojin Eomeoni (어진 어머니 – Người mẹ thông thái).
Theo tài liệu được ghi chép lại, tên thật lúc thuở nhỏ của bà là Shin Inseon (신인선/Thân Nhân Thiện). Bà sinh ra và lớn lên tại quê ngoại ở vùng Gangneung, tỉnh Gangwon. Bà là con gái thứ hai trong số 5 người con gái của một gia đình quý tộc danh giá đương thời. Cha là Shin Myunghwa (신명화/Thân Mệnh Hòa) – một viên quan hàm Tứ phẩm nhưng không mấy bận tâm chốn quan trường và mẹ có xuất thân từ dòng tộc Yeongin Lee-ssi (용인 이씨/Long Nhân Lý thị).
Từ nhỏ, bà đã bộc lộ là một nữ nhi thanh tú, thông minh, ham học. Vì gia đình không có con trai, bà lại có tài năng nổi trội nên được bên ngoại rất mực thương yêu và dạy dỗ tận tình. Bà được mẹ bà dạy cho thêu thùa, may vá; được bố – một học giả thuộc tầng lớp quý tộc – tận tình chỉ dạy nhiều sách Nho giáo và văn chương của các bậc Thánh hiền nên bà không chỉ giỏi việc nội trợ mà còn giỏi cả văn chương, thi họa. Ông ngoại cũng là người có tư tưởng tiến bộ, cho nữ nhi trong nhà được học tập chữ nghĩa, nhờ đó mà Shin Saimdang có vốn tri thức hiểu biết vượt trội so với phụ nữ đương thời. Vào năm 7 tuổi, cha mang về cho bà bức tranh Sơn thủy mặc của An Gyeon – một họa sỹ nổi tiếng lúc bấy giờ – bà đã vẽ mô phỏng theo bức tranh ấy. Đó là lần đầu tiên bà vẽ tranh, những người xung quanh xem tranh bà vẽ đã không tiếc lời ngợi khen. Tài năng thiên phú của bà được phát hiện và nuôi dưỡng từ đó.
Bà tiếp tục học vẽ tranh và văn chương thơ phú. Năm 16 tuổi, bà tự lấy tên tên hiệu là Saimdang (Sư Nhâm Đường), với ý nghĩa noi theo gương của bà Thái Nhậm, người phụ nữ hiền thục nhất trong lịch sử Trung Quốc, mẹ của bậc thánh quân nhà Chu là vua Văn Vương.
Năm 19 tuổi (1522), bà kết hôn với Yi Wonsu (이원수/Lý Nguyên Tú), con trai độc nhất của một gia đình sỹ nhân nghèo. Dù sinh ra trong thời đại Joseon ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo nhưng Sư Nhâm Đường đã may mắn tránh được sự hà khắc, bất bình đẳng của lối sống trọng tư tưởng ấy mang lại. Sau khi kết hôn, được sự chấp thuận của gia đình chồng, Shin Saimdang cùng chồng tiếp tục sống ở nhà mẹ đẻ. Đây chính là điều kiện tuyệt vời để tài năng thiên phú của Shin Saimdang được mài giũa và phát huy.
Bà rất mực thương yêu chồng, hết lòng khích lệ chồng trong sự nghiệp làm quan triều đình. Mặc dù tới khi bà 47 tuổi, một năm trước khi bà qua đời, chồng bà mới đỗ quan nhưng nhân cách cao quý hết mực phụng sự chồng làm người đời luôn ca ngợi.
Tranh của Shin Saimdang nổi tiếng là tinh tế và sống động, tới mức có chuyện kể lại rằng, một ngày, bà vẽ tranh châu chấu đậu trên cành cây Toan tương (hoa lồng đèn) và tặng cho một người họ hàng. Khi người này trải tranh ra, bức tranh trông thực đến mức gà ngoài sân cũng tưởng là châu chấu mà lao vào mổ. Các học giả cùng thời với Shin Saimdang, ai cũng tán tụng, so sánh tài của bà với An Gyeon, một họa sĩ lớn của Joseon giai đoạn trước.

Shin Saimdang còn được biết đến là người giỏi về thơ văn, từ nhỏ đã ham đọc kinh thư Nho giáo và văn chương của các bậc thánh hiền, đồng thời vẫn có tài thêu thùa, kim chỉ vượt bậc nên được coi là nữ nghệ sĩ tiêu biểu của giai đoạn trung kỳ thời Joseon. Chưa dừng lại ở đó, sau khi kết hôn, người ta còn tìm thấy ở bà một phẩm chất khác mang tính biểu trưng mới.
Không những thế, bà còn có công rất lớn trong việc giáo dục con cái. Bà sinh được 4 người con trai, 3 người con gái và sinh sống hòa thuận ở cả 2 bên nội ngoại như vậy khiến mọi người kính trọng, gọi bà là “Vị phu nhân đức hạnh họ Shin”. Lúc này, bà dồn hết tâm sức vào việc giáo dục con cái. Với tình yêu thương và sự nghiêm khắc, bà đã dạy dỗ các con nên người một cách tuyệt vời. Con gái đầu lòng là Mae Chang (Mai Song) và con trai thứ tư là Yi Woo (Lý Ngọc) cũng trở thành nghệ sĩ tài ba trong lĩnh vực thơ ca và hội họa. Đặc biệt, con trai thứ ba của Shin Saimdang tên là Yi I (Lý Nhị 1536 – 1584), sau khi đỗ thi tiến sĩ ở tuổi 13 đã đỗ đầu tất cả 9 kỳ khoa cử, được gọi là “Cửu Độ Trạng Nguyên Công”, trở thành một học giả lớn của thời Joseon. Đối với tài đức của Yi I, người ta cho rằng đó chính là nhờ quá trình thai giáo của người mẹ hiền Shin Saimdang. Bên cạnh đó, bà còn nuôi dạy con gái đầu lòng Mae-chang và con trai thứ tư là Yi Woo trở thành nghệ sĩ tài ba trong lĩnh vực thơ ca và hội họa.

Năm 48 tuổi (1551), bà biệt thế trong một cơn bệnh tim nặng. Nhưng tài năng và đức hạnh của bà vẫn được người đời sau ca tụng. Để vinh danh bà, năm 2009, chính phủ Hàn Quốc đã chọn Shin Saimdang cùng với bức tranh Nho của bà làm nhân vật chính in lên tờ tiền có mệnh giá cao nhất 50.000 won. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, hình ảnh người phụ nữ xuất hiện trên tờ tiền Hàn Quốc. Shin Saimdang là kết tinh của sự hài hòa, hoàn hảo, một người con gái hiếu thảo, một người vợ đức hạnh, một người mẹ tuyệt vời và là một nghệ sĩ tài ba xuất chúng. Bà sẽ mãi là tấm gương mô phạm của phụ nữ Hàn Quốc.\
Năm 2017, đài SBS phát sóng bộ phim truyền hình dài 30 tập có tựa đề Sư Nhâm Đường, Nhật ký Ánh sáng như một lời tri ân đối với công lao to lớn mà bà đã đóng góp cho thời đại.