Chuseok (Tết Trung thu) hay còn gọi là Hangawi là 1 trong 3 ngày đại lễ ở Hàn Quốc cùng với Tết cổ truyền và lễ hội Dano, được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Đây cũng là ngày lễ lớn thứ nhì trong năm và quan trọng nhất đối với người Hàn kể từ khi còn là xã hội nông nghiệp cho đến nay. Vào ngày đại lễ này người Hàn thường thực hiện một số nghi lễ đặc biệt như cúng bái tổ tiên và đi tảo mộ. Hôm nay hãy cùng NEWSKY tìm hiểu kĩ hơn về các phong tục này nhé!

Chuseok là phong tục quan trọng nhất trong văn hóa Hàn Quốc. Dù bận rộn thế nào đi nữa, dù cả năm bôn ba xa nhà, nhưng đến ngày này, hầu hết người dân đều trở về quê hương sum họp, đoàn viên cùng gia đình. Họ cùng nhau ăn bữa cơm, uống chén trà và chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong suốt một năm. Chính vì thế, Tết Trung thu Hàn Quốc kéo dài 3 hoặc 5 ngày (nếu vào cuối tuần). Đây là một trong hai kỳ nghỉ dài nhất của đất nước.

1. Beolcho (벌초 Bách thảo) Seongmyo (성묘 Tảo mộ)

Công việc quan trọng nhất trong ngày Tết Trung thu là việc thể hiện đạo lý và lòng hiếu thảo với tổ tiên qua 2 nghi thức Beolcho (벌초)Seongmyo (성묘). Các hoạt động này gần giống với phong tục tảo mộ vào tiết Thanh minh của người Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán.

Beolcho (벌초)
Seongmyo (성묘)

Vào ngày này, các gia đình người Hàn Quốc sẽ cùng đến phần mộ của tổ tiên, cắt cỏ dại và dọn dẹp khu vực xung quanh mộ. Sau khi vệ sinh phần mộ xong, một mâm lễ gồm hoa quả, ngũ cốc và các sản phẩm đã thu hoạch được trong vụ mùa sẽ được dâng cúng lên tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn.

2. Charye (차례)

Vào buổi sáng sớm ngày đầu tiên của Tết Trung thu, toàn bộ gia đình người Hàn Quốc sẽ tụ họp tại gian nhà chính, nơi bày bàn thờ tổ tiên để tiến hành các nghi lễ cúng bái.

Người Hàn Quốc cũng đốt nhang như người Việt nhưng cây nhang của họ thường nhỏ hơn và chân nhang rất ngắn. Nhang sẽ được đốt trong suốt buổi lễ. Người con trai trưởng sẽ đốt nhang cúng và đổ ba ly rượu gạo xuống đất, quỳ xuống cúi lạy tổ tiên. Tiếp đến, lần lượt những người còn lại trong nhà cũng quỳ lạy để mời ông bà, tổ tiên về. Kết thúc buổi lễ, mọi người cúi lạy một lần nữa rồi quây quần bên nhau để hưởng lộc, cùng nhau thưởng thức các món ăn đặc trưng của ngày lễ Chuseok. Điều này tượng trưng cho sự hạnh phúc, sum vầy của mỗi gia đình Hàn Quốc.

Nếu như vào ngày Tết Nguyên Đán (Seollal), món ăn điển hình là canh bánh gạo (떡국) thì vào ngày Chuseok món ăn chủ đạo được dùng để cúng bái là Mebap (메밥 – cơm làm từ gạo mới vừa thu hoạch). Sau khi cúng, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để “hưởng lộc” của tổ tiên ban cho. Một đặc điểm trong văn hóa ẩm thực nói chung cũng như văn hóa tế lễ nói riêng ở Hàn Quốc đó là các món ăn được bày trong các đĩa nhỏ, gọi là banchan (반찬).

Cũng giống như Việt Nam, vào những ngày lễ như thế này, người phụ nữ trong gia đình luôn là người bận rộn và vất vả nhất để chuẩn bị đồ cúng và các món ăn cho các thành viên khác trong gia đình.

Hình ảnh chi tiết về bàn cúng ngày Tết Trung thu Hàn Quốc
Bàn cúng thực tế

Trong ngày Chuseok, người Hàn chuẩn bị mâm lễ cúng rất công phu, mâm cúng thường do người con trưởng trong gia đình bày biện và điều hành các phần lễ long trọng tiếp theo. Mâm lễ chia thành năm hàng, xếp phía dưới bài vị tổ tiên, theo thứ tự từ trên xuống dưới.

Một số lưu ý về cách bài trí bàn cúng:

  • Cá phải được đặt về phía đông, thịt xếp về phía tây; đầu cá quay về phía đông, đuôi cá phía tây.
  • Trái cây thường xếp theo nguyên tắc: hoa quả màu đỏ (tượng trưng cho sự may mắn) thì xếp sang hướng đông, hoa quả màu trắng (sự khởi đầu) xếp sang hướng tây và được đặt trên các đĩa có chân cao, ngay ngắn, ở gần mép bàn.
  • Với quả táo hay quả lê phải được vạt bớt ở phía đầu.
  • Các loại hoa quả và kẹo sắp xếp theo thứ tự từ trái sang phải và trái cây luôn được bày theo số lẻ.
  • Hàng thứ 3 bày các loại canh, canh cá ở phía đông, canh thịt bò ở phía tây và số bát canh phải là số lẻ.

3. Chúc tết và tặng quà

Cũng như người Việt Nam, Trong ngày Tết Trung thu, người Hàn Quốc cũng gửi đến gia đình, bạn bè và đồng nghiệp những câu chúc Tết đặc trưng, như: chúc nhau dồi dào sức khỏe và tiền bạc…

Người Hàn Quốc có truyền thống tặng quà nhau trong ngày Tết Trung thu. Con cái tặng quà cho cha mẹ, công ty/doanh nghiệp tặng quà cho nhân viên… các món quà trong ngày Tết Trung thu cũng rất đa dạng, từ đơn giản và thiết thực như thịt hộp (spam), kem đánh răng, dầu gội đầu… cho đến những món quà cao cấp như thịt bò Hàn Quốc hay tiền bạc.

4. Mặc trang phục truyền thống tổ chức các lễ hội

Vào Tết Trung thu ở Hàn Quốc, người dân thường mặc trang phục truyền thống Hanbok. Họ cũng tới tham quan một số địa điểm du lịch nổi tiếng như Cung điện Gyeongbokgung, Làng Dân gian, Bảo tàng Dân gian Quốc gia hoặc Làng cổ Hanok Namsan,… Các trò chơi truyền thống, hoạt động dân gian như đá cầu, đấu vật, kéo co thường được tổ chức ở những nơi này.

Ngoài ra, vào dịp Trung thu, người Hàn Quốc cũng hay lên chùa cúng lễ. Đặc biệt, ở các ngôi chùa còn có một hoạt động rất thú vị, đó là viết lời chúc đến gia đình và bạn bè lên những tấm ngói mới. Một thời gian sau, nhà chùa sẽ dùng chính những tấm ngói này để tu sửa chùa.

5. Olgesimni (올게심니) – tục treo ngũ cốc khô trước cửa

Sau khi thu hoạch, người Hàn Quốc sẽ chọn ra trong mỗi loại ngũ cốc những bó chín đượm nhất, đẹp nhất để treo lên cột nhà, cửa chính hay trước hiên nhà.

Những bó ngũ cốc được chọn này sẽ được dùng làm hạt giống cho năm sau, để làm bánh cúng tổ tiên, cúng ông địa hoặc được dùng để thiết đãi khách khi nhà có tiệc. Phong tục này thể hiện tính tuần hoàn của đất trời, mùa màng và ước nguyện có những mùa màng sung túc, bội thu.

Ngày nay, những hình ảnh về tục treo ngũ cốc chỉ còn được nhìn thấy ở các vùng quê, các đô thị lớn sớm đã không còn nữa.

6. Cùng nhau làm bánh songpyeon (송편)

Đêm trước Chuseok, các gia đình Hàn Quốc lại quây quần bên nhau để cùng làm món bánh gạo Songpyeon, một trong những món ăn đặc trưng của ngày Tết Trung thu Hàn Quốc.

Bánh Songpyeon được làm bằng bột nếp hình nửa mặt trăng và có rất nhiều hương vị khác nhau như đậu đỏ, đậu nành, vừng… và hấp với lá thông tươi. Dù xa xưa hay cho đến thời hiện đại ngày nay, người Hàn vẫn giữ gìn phong tục cùng nhau làm bánh, thể hiện sự quan trọng của gia đình trong xã hội Hàn Quốc.

Tự tin thành thạo tiếng Hàn với khóa học online. Chỉ từ 399k/khóa.

BẠN CẦN TƯ VẤN HỌC TIẾNG HÀN?

Vui lòng nhập thông tin dưới đây để được Tư Vấn & Hỗ trợ miễn phí về các Khóa học Tiếng Hàn cùng nhiều chương trình Ưu Đãi hấp dẫn dành cho bạn.