Ai đã xem qua các bộ phim cổ trang của Hàn Quốc cũng đều bắt gặp hình ảnh các vị phi tần với một kiểu tóc đồ sộ rất đặc trưng. Thoạt nhìn ai cũng tưởng phụ nữ Joseon xưa hẳn phải có tóc dày và dài mới có đủ tóc để vấn được như thế. Nhưng trên hực tế, để có kiểu tóc hoành tráng như vậy, phụ nữ Hàn Quốc xưa đã dùng một loại tóc giả để đội lên tạo độ dày cho tóc. Kiểu tóc này gọi là “Gia thế” (Gache – 가체). Hôm nay hãy cùng NEWSKY tìm hiểu về trào lưu Gache đã từng làm mưa làm gió một triều đại nhé!

Theo ghi chép, Gache được cho là đã xuất hiện từ thời kỳ Tam Quốc, bắt nguồn từ triều đại Silla (Tân La) – một triều đại dường như chịu ảnh hưởng bởi văn hóa nhà Đường ở Trung Hoa. Để có được kiểu tóc vấn sang trọng đính kèm thêm ngọc và trang sức rực rỡ, phụ nữ từ thời đó đã bắt đầu sử dụng tóc giả. Trong cuốn Tam Quốc Sử Ký có chép, Gache được xem là biểu tượng của triều đại Silla dưới thời Thánh Đức Vương (Vua Seongdok – 성덕왕).

Để có được món tóc giả cầu kì này tất nhiên người ta phải làm ra từ tóc thật. Theo ghi chép trong cuốn Đường thư (당서), dưới thời Silla những người đàn ông có xuất thân nghèo khổ do quá túng quẫn nên đã làm liều, họ cạo hết tóc đem bán cho những nhà làm tóc giả để kiếm miếng ăn. Trong khi đó, tóc vốn là một thứ quý giá đối với người Hàn xưa, tục ngữ Hàn có câu “Thà cắt đầu chứ không cắt tóc” (오두가 단 차반불가단).

Trào lưu đội tóc giả này thật sự nở rộ và đạt đến đỉnh cao vào thời Joseon khi bất kì cô gái nào cũng nhất định phải có cho mình một Gache. Mỗi một kiểu tóc sẽ có cách tết Gache và trang sức đi kèm khác nhau. Kiểu tóc càng sang trọng thì Gache tết càng cầu kỳ kèm trang sức quý giá, chỉ có giới quý tộc mới đủ điều kiện để mang. Vì vậy mà mái tóc ở thời Joseon cũng là một “phương tiện” để đoán biết xuất thân, tầng lớp của một người.

Tuy nhiên, tóc để làm Gache trong triều đại này rất khan hiếm. Joseon lại là triều đại Nho giáo phát triển mạnh mẽ, trong số đó thì lòng hiếu thảo là tư tưởng lớn nhất. Người ta quan niệm rằng việc xỏ lỗ tai hay cắt tóc sẽ làm tổn hại đến cơ thể mà cha mẹ ban cho, và việc làm này được coi là bất hiếu. Vậy thì làm thế nào để Gache có thể được tiếp tục sản xuất và thậm chí là vô cùng xa hoa trong thời kỳ này? Cách đơn giản nhất là người ta sẽ lấy tóc của người xuất gia, chẳng hạn như tăng ni. Tiếp theo là tóc của tù nhân. Ngoài ra, khi cánh đàn ông bắt đầu búi tóc. Để đội mũ trông gọn gàng hơn, phần tóc quanh đỉnh đầu cần phải được cạo sạch. Người ta đã tận dụng số tóc đó để làm ra Gache.

Giá của Gache rất cao, do mỗi bộ tóc giả đều yêu cầu sự công phu và tỉ mỉ không kém gì các tác phẩm nghệ thuật khác. Được biết, một chiếc Gache lớn và lộng lẫy, bao gồm cả phụ kiện có thể lên tới 70.000 – 80.000 jeon. Vào cuối thể kỷ 18, 70.000 jeon có nghĩa là 700 nyang. Người ta nói rằng một ngôi nhà tranh có 11 phòng ở kinh thành có giá 110 nyang, vì vậy nếu so sánh thì Gache cho tầng lớp trung lưu sẽ tương đương với 6 đến 7 ngôi nhà tranh. Vì vậy đã nhiều nhà tán gia bại sản chỉ vì một Gache.

Nhiều cô gái thời Joseon phải chịu cảnh quá lứa lỡ thì mà vẫn “phòng đơn gối chiếc” do gia đình không thể sắm nổi một chiếc Gache. Khi ấy, độ thịnh hành của việc đội tóc giả đã trở thành tập tục, buộc bên nhà gái nếu muốn con dâu được nhà chồng chấp nhận thì phải chuẩn bị được cho cô dâu một bộ Gache. Nếu không thì cô gái sẽ không được phép làm lễ gặp mặt cha mẹ chồng. Bên cạnh đó, độ nặng của bộ Gache cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều tai nạn đáng tiếc khác. Câu chuyện nổi tiếng nhất được ghi chép lại là về một cô con dâu chỉ mới 13~14 tuổi mà đã phải mất trẻ vì Gache. Cớ sự là do cô đang nằm nghỉ thì cha chồng bỗng dưng bước vào. Quá bất ngờ và phải hành lễ chào hỏi cho phải phép nên cô ngay lập tức ngồi dậy trong khi vẫn đang đội Gache trên đầu. Đang lúc vội vàng sức nặng của bộ tóc giả đã vô tình làm cho cô gãy cổ.

Cho đến thời trị vì của Vua Seongjong (triều đại Joseon), Gache ngày càng trở nên xa xỉ hơn. Có bộ Gache được cho là đã đạt đến chiều cao 30 cm. Ước tính một bộ Gache được phục dựng lại ngày nay cũng có thể lên đến vài ký lô. Bộ tóc càng cầu kỳ, nhất là tóc của các cung tần thì càng nặng. Trong bộ phim “Nàng Dae Jang Geum” cũng có khắc họa một chi tiết là Vương hậu bị mắc bệnh đau đầu do đội Gache quá nặng và lâu ngày.

Tuy nhiên, dù giá cả có đắt đỏ và tiềm ẩn nguy cơ chết người đi nữa thì phụ nữ thời Joseon vẫn không thể sống thiếu Gache. Kiểu tóc dành cho mệnh phụ khi tiến cung cần có Gache, kiểu tóc cho các đám tiệc, các buổi biểu diễn cũng không bỏ qua được phụ kiện này. Mặc cho các tai nạn đáng tiếc xảy ra, Gache vẫn cứ thế thịnh hành cho khi Vua Yeongjo ban sắc lệnh cấm sử dụng vào ngày 16 tháng 1 năm 1756. Nhà vua ra lệnh cho phụ nữ không được sử dụng gia thế để tạo kiểu đội tóc đồ sộ quen thuộc, thay vào đó họ sẽ phải dùng Thốc Quan (Jokduri – 족두리).

Thốc Quan (Jokduri – 족두리)

Tuy nhiên, trào lưu đội tóc giả này chưa bao giờ bị dập tắt hoàn toàn dù lệnh cấm một lần nữa đã được Vua Jeongjo củng cố dưới vào năm 1788 (52 năm sau lệnh cấm Gache) do người dân vẫn cần dùng Gache khi cử hành các nghi lễ. Đến thời Vua Sunjo (1800 – 1834) thì lệnh cấm Gache đã bị bãi bỏ.

Tự tin thành thạo tiếng Hàn với khóa học online. Chỉ từ 399k/khóa.

BẠN CẦN TƯ VẤN HỌC TIẾNG HÀN?

Vui lòng nhập thông tin dưới đây để được Tư Vấn & Hỗ trợ miễn phí về các Khóa học Tiếng Hàn cùng nhiều chương trình Ưu Đãi hấp dẫn dành cho bạn.