Người ta có câu “Con đường ngắn nhất để tới trái tim là đi qua dạ dày”. Một món ăn ngon có thể khiến người ta lâng lâng, trải qua đủ cung bậc cảm xúc khi nó không chỉ chinh phục thị khác, khứu giác mà thậm chí hớp hồn cả thị giác, thính giác hay thậm chí xúc giác của người được thưởng thức. Nhưng một món ăn ngon cũng có thể chỉ là bữa cơm gia đình mẹ nấu mỗi ngày hay một phần cơm vội vàng dưới cái nắng oi ả của những người dân lao động ngoài trời. Người Hàn từ thời xa xưa cũng có một nét văn hóa ẩm thực đậm chất tình như vậy.
Nếu như Nhật Bản có văn hóa bento, hay còn gọi là văn hóa cơm hộp, từ lâu đã trở thành một nét đặc trưng và là một trong những đại diện cho văn hóa ẩm thực của xứ sở mặt trời mọc thì tại xứ sở kim chi – Hàn Quốc cũng có một nét văn hóa cơm hộp cho riêng mình gọi là dosirak (도시락). Hôm nay hãy cùng NEWSKY khám phá đôi nét về văn hóa xưa cũ nhưng vẫn mang trong mình nhiều giá trị này nhé!
1. Sơ lược về dosirak và dosirak trong lịch sử
Dosirak (도시락) là phiên âm tiếng Hàn cho hộp cơm trưa được làm ở nhà rồi mang đi của người Hàn. Ở Hàn Quốc, cơm hộp dosirak đã có mặt từ rất lâu trong lịch sử dưới nhiều hình thức đa dạng. Từ cũ của dosirak là “doseulk” (도슭), ngoài ra nó còn được gọi là “bapgori” (밥고리) hoặc “babdongori” (밥동고리).
Từng có một khoảng thời gian dosirak gần như bị lãng quên khi người ta chỉ dùng “bento” trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ, phải đến sau giải phóng người ta mới tìm cách để khôi phục lại nó. Tuy nhiên chỉ có phía Nam là thành công. Ở phía Bắc của đất nước hay còn gọi là Triều Tiên ngày nay, người ta cũng cố gắng tạo ra một từ mới là “gwakbap” (곽밥) và phổ biến chúng nhưng dường như không mấy hiệu quả. Vì vậy mà cho đến ngày nay, ở Triều Tiên cơm hộp vẫn thường được gọi là bento.
Hiện tại, hộp cơm này thường được giới trẻ Hàn gọi là yennal dosirak (옛날도시락). “Yennal” nghĩa là “ngày xưa”, yennal dosirak nghĩa là “hộp cơm ngày xưa”. Hộp cơm này hiện được bán ở nhiều nhà hàng BBQ Hàn Quốc và các quán ăn truyền thống. Dosirak của Hàn không có sự đa dạng về nguyên liệu hay cầu kì như bento Nhật. Trên thực tế, dosirak thường chỉ có một loại cơm với các nguyên liệu như kim chi, thịt, trứng… và chỉ có một hình dáng hộp thiếc dẹt hình chữ nhật đặc trưng khoảng 12×22 cm. Các hộp dosirak đặc biệt ở chỗ chỉ có duy nhất một kích cỡ, vậy nên đứa trẻ nào ăn khoẻ sẽ thường được mẹ làm cho 2 hộp mang theo.
Từ thời cổ đại đến Joseon
Tất nhiên, từ thời cổ đại khái niệm một bữa ăn tiện lợi khi tham gia các hoạt động ngoài trời đã tồn tại ở mọi quốc gia. Ngay cả trong lịch sử Hàn Quốc, người ta cũng khai quật được những tài sản văn hóa có liên quan đến khái niệm này như những hộp cơm hình vuông trong lăng mộ Seobongchong (được xây dựng vào khoảng năm 500 sau Công nguyên là một trong những lăng mộ của gia đình hoàng gia triều đại Silla).
Đến thời Joseon, khi các quan lại làm việc ở bên ngoài, những người hầu thường mang chồng khay đồ ăn cùng với một chiếc bàn nhỏ đội trên đầu và dâng lên cho chủ nhân của họ khi đến bữa. Theo thời gian, lối sống của con người dần thay đổi theo xu hướng bận rộn dẫn đến việc họ có nhiều cơ hội ăn trưa bên ngoài hơn. Do đó, người Hàn bắt đầu mang theo bữa trưa và đồ ăn nhẹ của họ trong chanhap (찬합), là loại hộp ăn trưa nhiều ngăn bằng gỗ của Hàn Quốc. Chanhap sau đó tiếp tục được thay đổi thiết kế sao cho đơn giản hơn và cuối cùng trở thành dosirak.
Từ thập niên 50 đến thập niên 60
Vào khoảng thời gian này, Hàn Quốc đang trải qua một khoảng thời gian khó khăn, nghèo nàn và khan hiếm lương thực sau chiến tranh. Chính lúc này những hộp cơm dosirak như trở thành biểu tượng của sự no ấm, cứu đói.
Vào thập niên 1950, trong hầu hết các bữa ăn trưa của mọi người, người ta đều có thể dễ dàng tìm thấy cơm đại mạch (꽁보리밥: cơm nấu từ lúa mạch), cơm nắm (주먹밥), khoai tây & khoai lang. Người ta gói những món này lại và đặt chúng trong các túi cói đan (망태기) hay đặt trong các hộp có bọc vải bên ngoài (보자기). Sang đến thập niên 60, người Hàn Quốc độn nhiều loại rau củ vào khi nấu cơm. Những loại rau củ thường gặp nhất chính là củ cải (무밥), lá củ cải khô (시래기밥), ăn kèm với cơm và khoai lang, khoai tây và bắp.
Thập niên 70
Ban đầu, dosirak thường được làm bằng tre, gỗ. Đến thập niên 1970, những hộp cơm bằng hợp kim niken bắt đầu được sản xuất hàng loạt, thay thế hình thức truyền thống. Lúc này người Hàn thường xếp các món ăn kèm bên cạnh phần cơm trắng. Xúc xích và trứng chiên ốp la là những món ăn cực kỳ được yêu thích nhưng thường chỉ những nhà có điều kiện mới làm cơm cho con cái có món này. Trong khi đó, cá cơm xào và đậu đen là 2 món banchan phổ biến nhất trong dosirak.
Tuy nhiên vào thời điểm này gạo vẫn khá khan hiếm. Vì thế, khoảng đầu thập niên 70, các trường học ở Hàn Quốc thường hạn chế hoặc cấm sinh viên – học sinh mang cơm trắng để ăn vào buổi trưa. Nếu muốn ăn cơm, mọi người phải độn thêm ngũ cốc như lúa mạch và đậu tương. Thậm chí, nếu nhà trường phát hiện học sinh mang theo hộp cơm chỉ toàn cơm trắng, học sinh đó sẽ bị phạt. Điều đó cho thấy sự tàn khốc của việc thiếu thốn lương thực ở Hàn Quốc thời bấy giờ.
Thập niên 80
Khi công nghệ phát triển, hộp dosirak nhựa và hộp giữ nhiệt thực phẩm trong thời gian dài được ra mắt. Điều kiện sinh hoạt và đời sống hằng ngày tại Hàn Quốc lúc bấy giờ cũng đã được cải thiện hơn rất nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc các món ăn kèm trong dosirak cũng trở nên đa dạng hơn. Xúc xích được thay bằng thịt hộp, banchan cá cơm xào được thay bằng các món phụ có thịt tăng lên. Thịt viên chiên, bí ngòi chiên (동그랑땡) cũng bắt đầu xuất hiện trong thực đơn dosirak.
Khoảng cuối thập niên 1980, dosirak còn được dùng để mang theo miến trộn, gimbap và trái cây chứ không chỉ dành riêng để mang cơm nữa.
Thập niên 90
Thời điểm này, học sinh thường sẽ ăn trưa tại trường với suất ăn do chính nhà trường cung cấp. Nhân viên công sở thì thường ăn ở hàng quán. Chính vì điều này mà ngày càng ít người làm cơm trưa mang theo.
Dần dần người Hàn không còn ăn dosirak ở trường hoặc nơi làm việc nữa, ngày nay chúng được xem là thực đơn đặc biệt cho những buổi dã ngoại.
2. Dosirak và những giá trị tình cảm
Đối với người Hàn Quốc, những hộp cơm dosirak mang đầy ý nghĩa biểu tượng. Trong quá khứ, những hộp cơm này thường được xem là cơm “con nhà nghèo”, gắn liền với những tầng lớp bình dân hoặc lao động tay chân, phổ biến với các gia đình vùng thôn quê xa xôi. Hiện tại, những hộp cơm dosirak được xem như biểu tượng của một thời đã qua. Hàn Quốc hiện đại với những toà nhà chọc trời thay thế cho đồng ruộng hoang sơ và nền kinh tế phát triển đến kinh ngạc, nhiều người khi nhắc đến dosirak sẽ nghĩ ngay đến những cực khổ bản thân đã trải qua để đến được ngày hôm nay.
Cũng có người sẽ chọn cách nghĩ nghĩ về những kỷ niệm đẹp thời đi học. Ngày xưa, khi mùa đông đến, các học sinh thường đặt những hộp cơm bé xinh lên lò sưởi cũ kĩ ở trường để ủ ấm cơm trong khi chờ đến giờ nghỉ trưa. Những ai thân thiết còn có thể so bì hộp cơm và đổi với nhau.
Có người sẽ nghĩ về mẹ bởi trong khi cả nhà còn say giấc, mẹ đã luôn tần tảo sớm hôm để nấu ăn, chuẩn bị cơm hộp cho con cái mang đến trường. Không chỉ là tình bạn, tình thân dosirak cũng có thể là món quà để đôi lứa thể hiện tình cảm và sự quan tâm dành cho nhau.
Dosirak cũng có cách ăn rất đặc biệt. Bởi vì có bản chất là bibimbap nên người Hàn thay vì trộn cơm bằng muỗng như ăn trong chén thì sẽ dùng muỗng chia trứng ra trước, sau đó đóng hộp lại và lắc mạnh để các thành phần bên trong hoà lẫn cùng nhau. Một hộp cơm dosirak truyền thống bao gồm cơm trắng, kimchi, một loại thịt (có thể là thịt hộp, xúc xích hoặc thịt bò bằm) ít rau luộc, rong biển và một quả trứng chiên. Xét về hương vị và nguyên liệu, quả thật cơm hộp dosirak là một món ăn bình dân không có gì đặc biệt, thậm chí còn kém phong phú hơn bibimbap bình thường.
Tuy nhiên, nếu xét về mặt giá trị tinh thần thì dosirak không chỉ là món ăn tiện lợi mà còn gắn liền với một thời đại đã qua, là tuổi thơ của vô số những người dân xứ sở Kim Chi. Chính vì vậy mà dù dosirak không còn quá phổ biến như trước, nhưng vẫn là một nét độc đáo, ấn tượng trong văn hóa Hàn Quốc và chưa bao giờ đánh mất đi giá trị của mình.