Mỗi một quốc gia trên khắp thế giới nói chung và Châu Á nói riêng đều sở hữu những hình thức nghệ thuật văn hóa dân gian độc đáo bao gồm nhiều thể loại như ca, múa nhạc, thơ văn hay tranh vẽ. Như ở Việt Nam chúng ta, loại hình nghệ thuật tranh dân gian nổi tiếng có tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh làng Sình. Còn tại Hàn Quốc nghệ thuật tranh dân gian đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây. Người ta gọi loại hình nghệ thuật này là Minhwa (민화). Hôm nay hãy cùng NEWSKY tìm hiểu đôi nét về hình thức nghệ thuật dân gian này nhé!
Tranh dân gian Hàn Quốc – tiếng Hàn được gọi là Minhwa (민화) nghĩa là Dân họa – chủ yếu được tạo ra bởi các họa sĩ chưa rõ danh tính – những người tuân theo quy chuẩn cũng như phong cách kế thừa từ quá khứ, qua bàn tay của mình, họ mô phỏng lại xu hướng nghệ thuật đương đại với mục đích sử dụng chính dùng để trang trí hằng ngày. Thuật ngữ Minhwa này xuất phát từ nhà triết học kiêm nhà phê bình nghệ thuật người Nhật Yanagi Muneyoshi (1889 – 1961).
Lịch sử hình thành và giai đoạn phát triển
Mặc dù đã xuất hiện khá lâu từ những bức vẽ trên đá và gỗ ở nhiều khu di chỉ cổ đại đến thời vua Heongang (trị vì từ năm 875 đến 866 thuộc triều đại Silla thống nhất (676 – 935)), người dân đã có phong tục dán tranh môn thân Cheoyong trước cửa để xua đuổi ma quỷ. Song, Nghệ thuật vẽ tranh Minhwa phát triển từ thế kỉ XVII thuộc triều đại Joseon, là thời kỳ đất nước đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng nền văn hóa, nghệ thuật vừa kế thừa ưu điểm của mỹ thuật trong nước vừa tiếp thu những cái mới từ bên ngoài. Giai đoạn này Minhwa rất phổ biến trong tầng lớp dân thường, thậm chí cả giới quý tộc cũng cực kỳ chuộng Minhwa. Nhờ có chủ đề phong phú, tranh dân gian Hàn Quốc đã nổi tiếng khu vực. Từ thế kỷ XVIII, thủ đô Hanseong (tên cũ của Seoul dưới triều đại Joseon) đã là trung tâm mua bán tranh dân gian dưới dạng cuộn và gấp, mỗi ngày tập trung hàng trăm bạn hàng.
Ban đầu Minhwa vốn được biết đến với tên Sokhwa (속화 – Tranh tục) dùng chỉ loại tranh “thiếu tế nhị” trái ngược hoàn toàn với Munninhwa (문인화) loại tranh được xây dựng bởi tâm hồn của những người thuộc tầng lớp quý tộc vào đầu thời kỳ Joseon). Tuy nhiên đến cuối thời kỳ Joseon, nó lại được gọi là Minhwa hay Poongsokhwa (풍속화 – Tranh phong tục). Nó không còn mang nghĩa như ban đầu nữa mà đã trở thành thể tranh mang đề tài phong tục. “Tranh tục” thế kỉ XVIII biểu thị cho “Tranh phong tục” – tranh vẽ những hình ảnh bình dân trong đời sống hằng ngày. Sang thế kỷ XIX, “Tranh tục” được đổi tên thành “Tranh dân gian” (Minhwa).


Các nghệ sĩ Minhwa sẽ đi đến nhiều lễ hội khác nhau, hoàn thành những bức Minhwa rồi lấy tiền hoa hồng ngay tại chỗ, ngoài ra vào thời kì đó Minhwa còn là một cách đánh dấu những khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời con người. Minhwa từng bùng nổ mạnh mẽ mãi tới khi Chiến tranh Triều Tiên xảy ra. Tuy nhiên từ những năm 1980, Minhwa đã trở lại và nhận nhiều sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình cho tới ngày nay.
Đặc điểm và phân loại
Điểm đặc biệt ở tranh dân gian Hàn Quốc là dùng màu đậm song hình đơn giản, thường có vẻ tươi vui thể hiện sự lạc quan tin tưởng. Nhìn chung, chúng đều được sáng tác xoay quanh cuộc sống của người dân với những đối tượng không giới hạn từ cây cỏ, động vật, chim muông hay hoa lá đến những kệ sách…Những chủ thể được họa sĩ vẽ một cách tỉ mỉ, chi tiết với nội dung phong phú và chủ yếu tập trung vào nhưng nội dung cầu mong phúc lộc và xua đuổi ma tà là những gì mà người xem có thể dễ thấy qua mỗi bức tranh.
Xét về bản chất, do tạo ra bởi các họa sĩ bình thường nên Minhwa là kết quả tự nhiên từ mong muốn luôn được khỏe mạnh, sung túc, thịnh vượng, đồng thời làm đẹp thêm cuộc sống. Do đó, người Hàn Quốc đã đầu tư, thổi hồn vào các bức Minhwa một phong cách mạnh mẽ mang sắc thái riêng cho xứ sở Kimchi, độc đáo từ nội dung đến triết lý. Tuy Minhwa thiếu đi vẻ sang trọng của những bức tranh theo lối truyền thống nhưng nếu nói tới cơ sở nghệ thuật thì với định dạng hài hước, đơn giản, bố cục độc đáo cùng cách sử dụng màu sắc đậm đã nêu bật lên đặc điểm quan trọng trong thẩm mỹ của người Hàn.
Chủ đề phổ biến của Minhwa bao gồm 11 loại với những chủ đề khác nhau gồm: Năm mới, trường thọ, phú quý, phát tài, chức vị, xuất thế, bình an, tôn giáo, văn học, non nước và sự kiện. Mỗi loại có nét độc đáo riêng thể hiện một chủ đề nào đó, phản ánh chân thực cuộc sống sinh hoạt, tư tưởng, ước mơ, khát vọng của người dân ở mỗi thời kỳ khác nhau. Bên cạnh đó, ta cũng có thể phân Minhwa thành nhiều loại phổ biến như sau:
1. Morando (모란도): tranh hoa mẫu đơn – loài hoa biểu trưng cho sự giàu có, danh dự và địa vị cao, rất được chuộng vào thời kì Joseon. Hoa mẫu đơn cũng mang ý nghĩa hòa bình, ổn định trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Ban đầu Morando chỉ tồn tại ở cung điện, sau đó được các gia đình bình thường, đặc biệt là những gia đình giàu có sử dụng. Người Hàn còn dùng Morando nhân dịp đám cưới hay sinh nhật. Morando thường đặt vào phòng của phụ nữ hay phòng vợ chồng mới cưới nhằm biểu thị sự hòa hợp.
2. Chaekgeori (책거리) hay Munbangdo (문방도): tranh sách và văn phòng phẩm. Loại tranh này chứa hình ảnh về sách cùng những vật dụng phục vụ cho việc học, do đó Chaekgeori rất được các học giả thời kì Joseon yêu thích: nó mang ý nghĩa biểu thị tấm lòng nhiệt thành đối với kiến thức, trí tuệ. Chaekgeori thường bao gồm: 4 báu vật dành cho nghiên cứu, mài rèn kinh sử (bút lông, giấy, nghiên mực, thanh mực tàu).
3. Hwajodo (화조도): tranh hoa và chim, thường là dạng tranh gấp mô tả các cặp động vật như chim, hươu, thỏ, bướm, ong tượng trưng cho cuộc hôn nhân viên mãn, khuyến khích sinh con. Do đó mà Hwajodo được dùng làm đồ trang trí cho vợ chồng mới cưới hoặc dùng trong đám cưới.
4. Sibjangsaengdo (십장생도): tranh vẽ 10 biểu tượng trường thọ. Nó mô tả các yếu tố thiên nhiên tượng trưng cho tuổi trẻ vĩnh cửu. Sibjangsaengdo cho thấy giá trị văn hóa truyền thống của Hàn Quốc, được xem là loại tranh Minhwa lớn và hoành tráng nhất khi kết hợp hài hòa 10 biểu tượng, do đó Sibjangsaengdo thường sử dụng trong các nghi lễ hay bữa tiệc ở cung điện vào thời Joseon.
5. Munjado (문자도): tranh vẽ các chữ Hán. Loại tranh này mô tả nhiều hình tượng như chim, cá, thực vật hoặc phong cảnh hữu tình theo chữ Hán của Trung Quốc. Munjado truyền đạt 8 nguyên tắc Nho giáo là: hiếu thảo, tình huynh đệ, trung thành, tin cậy, lịch thiệp, công bằng, liêm chính, đa cảm. Do đó, Munjado thường được các gia đình trung và thượng lưu ở thời kì Joseon sử dụng.
6. Hojakdo (호작도): tranh vẽ hổ, chim ác, cây thông. Loại tranh này mô tả chủ yếu về hình tượng con hổ (do ngày xưa Hàn Quốc có số lượng hổ tồn tại khá lớn, từng biết tới như “vùng đất của hổ”). Hổ đại diện cho uy quyền của giới quý tộc được người nghệ sĩ cố tình vẽ ra trông thật hài hước. Bên cạnh đó, chim ác biểu thị tầng lớp nhân dân nên Hojakdo mang ý nghĩa châm biếm sự phân biệt thứ bậc trong thời đại Joseon.
Ngoài ra, Minhwa còn một số loại tranh khác bao gồm: Chochungdo (초충도 – tranh vẽ hoa và côn trùng), Yeongsudo (영수도 – tranh vẽ các con vật thần thánh), Yeonhwado (연화도 – tranh vẽ hoa sen),…
Ngày nay, tuy Minhwa không còn chuộng để trang trí trong gia đình như trước nhưng chẳng vì thế mà Minhwa bị mai một hay biến mất. Do Minhwa là “tác phẩm tạo bởi nhân dân” nên ở xã hội hiện đại, Minhwa đã được tái sinh bằng các hình thức linh hoạt như tranh tường ở vỉa hè hay các khu phố cổ, tranh dán xe hơi, tranh trên ốp điện thoại lẫn trên đồ dùng học tập.