Hàn Quốc ở thời điểm hiện tại không chỉ là một đất nước hiện đại với nền kinh tế phát triển, mà còn là một đất nước mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống. Người dân xứ sở Kim Chi luôn giữ gìn nguyên vẹn văn hoá nghệ thuật truyền thống của đất nước, trong đó phải kể đến những điệu múa truyền thống – một trong những nét văn hoá mang tinh thần dân tộc của xứ củ sâm.
Nếu ở Việt Nam, Nhã nhạc cung đình Huế là đại diện cho dân tộc Việt Nam thì ở Hàn Quốc, múa quạt Buchaechum được mệnh danh là điệu múa “đại sứ” của đất nước xinh đẹp này. Mỗi điệu múa đều mang những nét đặc trưng riêng thể hiện nét văn hoá truyền thống độc đáo của mỗi quốc gia. Hôm nay hãy cùng NEWSKY tìm hiểu sơ lược về điệu múa này nhé!
Trong tiếng Hàn, nghệ thuật múa quạt được gọi là Buchaechum (부채춤), trong đó “Buchae” có nghĩa là quạt và “Chum” là điệu nhảy, khiêu vũ. Điệu múa truyền thống Buchaechum này có nguồn gốc từ các nghi lễ cổ xưa được thể hiện trong buổi lễ thờ cúng các vị thần của đạo Shaman Hàn Quốc từ hàng nghìn năm trước. Đặc biệt là vào triều đại Joseon, khoảng thế kỷ 18 các điệu múa này không chỉ để xua đuổi tà ác và mang lại sự thịnh vượng mà còn để thờ cúng các vị thần và tổ tiên.
Buchaechum là sự kết hợp giữa tình yêu thiên nhiên cùng với sự phát triển văn hóa. Điệu nhảy là một sự mô phỏng hình ảnh, màu sắc và sự rung động của cỏ cây, hoa lá và những làn sóng nước, thể hiện qua những chiếc quạt hồng đào. Ngày nay, múa quạt Buchaechum cũng dần thay đổi và ngày càng phát triển, không chỉ thể hiện cho mục đích nghi lễ tôn giáo, mà còn được biểu diễn trong các sự kiện văn hóa nghệ thuật, lễ hội, hay tại các sự kiện kỉ niệm hàng năm, và dần trở thành điệu múa được chọn biểu diễn trong các dịp quan trọng của quốc gia hay trong các bữa tiệc chiêu đãi quan khách nhà nước.
Múa quạt Buchaechum còn được coi là một trong những vũ điệu quyến rũ và uyển chuyển nhất trong các điệu múa truyền thống ở Châu Á. Điệu múa Buchaechum được mô phỏng một cách tinh tế, khéo léo thông qua những động tác, chuyển động của vũ công cùng những chiếc quạt trên tay. Các vũ công Buchaechum thường là một nhóm phụ nữ, xếp thành đội hình tròn và dùng quạt tạo thành những chuyển động gập ghềnh hình cánh bướm đang bay hay những đợt sóng uốn lượn.
Trong buổi biểu diễn, tất cả vũ công đều mặc trang phục truyền thống giống nhau. Loại trang phục chính tên là Dangui, gồm một chiếc váy dài và một áo choàng với tay áo dài, áo có hình phượng hoàng được đính hạt lấp lánh trước và sau lưng. Các vũ công cầm một chiếc quạt lớn với màu hồng chủ đạo, hình ảnh tươi sáng thường là hình hoa nở để phụ trợ cho những chuyển động của họ. Một số vũ công sẽ đeo băng đội đầu, tượng trưng cho vương miện, gọi là Jokduri.
Điểm thu hút của những màn biểu diễn chính là những màu sắc, hình ảnh của cỏ cây, hoa lá, sóng biển,… được các vũ công thể hiện rất chân thực thông qua những chuyển động rung rinh của những chiếc quạt trên tay. Đặc biệt hơn, ngoài những người vũ công chuyên nghiệp thì những vũ công biểu diễn Buchaechum còn có thể là những bé gái nhỏ tuổi. Đó cũng chính là một trong những cách mà người dân Hàn Quốc lưu giữ những loại hình nghệ thuật truyền thống của đất nước.
Điệu múa Buchaechum không chỉ “chiêu đãi” khán giả về phần nhìn mà còn mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, thể hiện nét đẹp thanh tao, dịu dàng của người phụ nữ. Chính những đặc điểm đó đã tạo nên loại hình nghệ thuật Buchaechum mang nét đặc trưng riêng và ngày càng gắn chặt với cuộc sống của người dân xứ sở Kim Chi.