Khi nhắc đến đám cưới Hàn Quốc, hẳn là bạn sẽ nghĩ đến những đám cưới lãng mạn kiểu phương Tây trong các bộ phim truyền hình ngày nay đúng không? Tuy nhiên bên cạnh những đám cưới hiện đại đó, ở Hàn vẫn còn tồn tại những đám cưới theo phong cách truyền thống ngày xưa. Hôm nay hãy cùng NEWSKY điểm qua vài nét văn hóa thú vị trong đám cưới truyền thống của Hàn Quốc nhé.
1. Lịch sử hình thành hôn lễ
Thời nguyên thủy, cũng giống như đại đa số những xã hội khác, xã hội cổ đại tổ chức theo mẫu hệ.
- Vào thời Okjeo (옥저): Hôn lễ xuất hiện tục lệ đón vợ trước khi cưới. Tức là khi con gái được 10 tuổi sẽ định ước với nam nhân, được nam nhân đón về nhà nuôi đến khi dậy thì lại đưa về nhà gái, sau đó nếu nhà trai dâng đủ số tiền nhà gái thách cưới sẽ được đón lại dâu về.
- Vào thời Kokuryo: Tục ở rể xuất hiện. Cô dâu sẽ không phải qua sống ngay ở nhà chồng, mà ở nhà mẹ đẻ đến khi sinh con thì mới cùng chồng trở về nhà chồng.
Đám cưới truyền thống của Hàn Quốc mang đậm màu sắc của Nho giáo. Trong văn hóa truyền thống Hàn Quốc, cũng giống như nhiều nền văn hóa truyền thống khác, việc kết hôn giữa nam và nữ do người lớn tuổi của cô dâu và chú rể quyết định. Hôn nhân được coi là đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời của một con người. Đây là sự kết hợp của hai gia đình cũng như hai cá nhân.
2. 전통 결혼식 (Hôn lễ truyền thống)
Hôn Lễ (혼례) trong tiếng Hàn là một từ có ý nghĩa duyên trời định giữa nam và nữ, cho nên việc kết hôn được xem như một nghi thức giao hòa của hai yếu tố chủ thể trong thế giới này: Eum (음) – bóng tối, yếu tố nữ giới và Yang (양) – ánh sáng, yếu tố nam giới; còn gọi là âm và dương. Vì thế hôn lễ truyền thống thường sẽ diễn ra vào lúc trời chạng vạng, tức là thời điểm giao hòa giữa ngày và đêm.
Trang phục cưới:
- Cả cô dâu và chú rể đều mặc trang phục truyền thống hanbok (한복).
- Cô dâu mặc áo jeogori (저고리), được buộc bằng hai dải ruy băng dài để tạo thành một chiếc áo dài. Váy là loại váy dài. Đôi giày hình quả lê làm bằng lụa được đi với tất bông màu trắng. Có thể đội một chiếc mũ hoặc mũ vành.
- Chú rể mặc áo jeogori (저고리) có tay áo rộng, ống quần rộng rãi và đi ủng đến mắt cá chân. Đầu đội mũ đen, mang đai thắt lưng.
3. Các nghi thức
결혼식 전에 (Trước hôn lễ)
1. 의혼 (Mai mối)
Người làm mai mối sẽ kết nối cho các cặp vợ chồng tương lai và định ngày để hai bên cha mẹ gặp nhau, nhưng lúc này cô dâu và chú rể sẽ không được gặp mặt nhau. Gia đình chú rể sẽ gửi lời cầu hôn đến cho cha mẹ cô dâu – người có quyền chấp nhận hoặc từ chối thay mặt cô dâu.
2. 납채 (Định ngày lành)
Sau khi lời cầu hôn được chấp nhận thì gia đình chú rể sẽ chuẩn bị Saju (사주) – xác định ngày, tháng, năm, giờ sinh của chú rể theo âm lịch, sau đó gửi đến nhà cô dâu.
3. 납폐 (Trao đổi hồi môn)
Trước ngày cưới gia đình đưa quà cưới sang cho nhà gái một cái hộp Ham (함) đựng lễ vật gọi là yemul (예물). Hamjinabi (함진아비) là người bưng Ham và bạn thân của chú rể bưng Bongchideok (봉치떡) bánh gạo đậu đỏ sang nhà cô dâu.
전통 의례 (Các nghi lễ truyền thống)
1. 친영 (Diễu hành)
Thời xa xưa, đám cưới thường được tổ chức ở sân nhà hoặc nhà cô dâu. Chú rể sẽ cưỡi ngựa di chuyển đến nhà cô dâu.
2. 전안례 (Trao ngỗng)
Người giữ ngỗng sẽ ôm ngỗng gỗ trong lòng. Ngay khi đến nhà cô dâu người giữ ngỗng sẽ đưa con ngỗng cho chú rể và chú rể sẽ nhận lấy nó ở đầu bên trái. Sau đó chú rể phải quỳ đối diện mẹ cô dâu rồi lạy 2 lần.
Ý nghĩa của nó là giữ gìn danh phấm đức hạnh và trở thành người đàn ông thành công trong cuộc đời.
3. 교배례 (Giao bái)
Cô dâu là nữ, là âm nên sẽ cúi đầu lạy chú rể hai cái trước. Sau đó chú rể là nam, là dương sẽ lạy đáp trả lại một cái. Việc này mang ý nghĩa hứa hẹn sẽ chung thủy trọn đời và có trách nhiệm với nhau.
4. 합근례 (Giao bôi)
Cô dâu và chú rể sẽ nâng ly rượu lên trước mắt rồi cùng thề nguyện với trời, sau đó hạ thấp ly rượu xuống đất để thề với đất. Kế đó cả hai sẽ cùng nâng ly rượu lên trước ngực và thề nguyện rồi uống nửa chén rượu. Người phụ lễ sẽ giúp hai người trao chén. Cô dâu và chú rể chấp nhận lời thề bằng cách uống hết phần rượu còn lại.
결혼식 후에 (Sau hôn lễ)
Sau hôn lễ việc nàng dâu mới cần làm là phải vấn an bố mẹ chồng. Nghi lễ này gọi là Pyebaek (폐백).
Pyebaek theo phong tục là lễ lạy của cô dâu mới dành cho bố mẹ chồng và những người lớn tuổi bên gia đình chồng. Cô dâu sẽ lạy 4 cái để bày tỏ sự kính trọng đối với bố mẹ chồng. Thông thường thì cô dâu cũng sẽ hay tặng thức ăn và quà tặng nhỏ cho bố mẹ chồng. Nghi lễ này có thể bắt đầu ngay sau khi hôn lễ kết thúc.
Các món ăn thường cô dâu lựa chọn trong lễ Pyebaek:
- Thông thường sẽ là táo tàu, hạt dẻ, cửu vị, thịt khô, gà cùng các loại bánh truyền thống Hàn Quốc.
- Trong đó, món gà được trang trí nhiều quả táo tàu sẽ được dâng lên cho mẹ chồng với ý nghĩa sinh con nối dõi cho nhà chồng.
- Thịt khô sẽ được dâng cho cả bố mẹ chồng với ý nghĩa thể hiện lòng tôn kính cũng như suốt đời phụng dưỡng bố mẹ chồng.
Sau khi nhận lễ lạy của cô con dâu mới, mẹ chồng sẽ ném quả táo tàu và hạt dẻ lên dải ruy băng bằng sa tanh do hai vợ chồng cầm để tượng trưng cho việc con đàn cháu đống. Nhưng thực ra cũng có một ẩn ý đằng sau đó. Táo tàu có nghĩa là “sớm” và hạt dẻ có nghĩa là “đêm”. Việc mẹ chồng ném quả táo tàu và hạt dẻ ngụ ý rằng cô dâu mới phải thức khuya dậy sớm để làm việc nhà.
Cũng có một cách giải thích khác cho rằng, mẹ chồng ném táo tàu và hạt dẻ lên dải ruy băng để xem số con cái. 대추 là hạt dẻ tượng trưng cho con gái còn 밤 là táo tàu tượng trưng cho con trai.
Chú rể sẽ đặt nửa đầu táo tàu vào miệng cô dâu sau đó ăn nửa đầu còn lại. Ai nhận được phần hạt có nghĩa họ là trụ cột trong gia đình. Cuối cùng chú rể sẽ cõng cô dâu đi vòng quanh phòng với ý nghĩa đi vòng tròn càng rộng thì nhà càng lớn.
Sau khi hôn lễ kết thúc được vài ngày, mẹ cô dâu sẽ chuẩn bị những món ăn gọi là ibaji (이바지) để mang đến gia đình thông gia như một cách thể hiện lòng tôn kính cũng như là một cách chào hỏi nhau. Đây là nghi lễ không thể bỏ qua sau khi hai nhà bắt đầu mối quan hệ sui gia. Các món ăn ibaji thông thường sẽ bao gồm bánh ttok, bánh ngọt truyền thống Hàn, nhân sâm, thịt, cá, hải sản, các món phụ khác,…
4. Cách trang điểm cho cô dâu
Trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc, chúng ta thường thấy cô dâu trong đám cưới truyền thống có 2 chấm tròn trên mặt, phương pháp trang điểm này được gọi là Yeonji Gunji (연지 곤지), bắt nguồn từ kiểu trang điểm vẽ hoa của Trung Quốc cổ đại và được phát triển thành kiểu trang điểm trong đám cưới truyền thống của Hàn Quốc. Cô dâu sẽ được vẽ những chấm đỏ trên mặt để ngăn chặn những linh hồn xấu hoặc những hồn ma trinh nữ chưa chồng đến gần. Tuy nhiên, kiểu trang điểm này chỉ dành cho những cô gái lấy chồng lần đầu, những người tái hôn không sẽ không có 2 chấm đỏ trên mặt.