Nếu bạn là một tín đồ của các bộ phim Hàn Quốc thì chắc hẳn đã từng thấy trong các bộ phim hình ảnh những món đồ, hộp thức ăn được gói rất tỉ mỉ bằng những miếng vải nhiều màu sắc. Đó chính là nghệ thuật Bojagi (보자기) – nghệ thuật gói quà trên vải truyền thống của Hàn Quốc. Hôm nay hãy cùng NEWSKY tìm hiểu đôi nét về nghệ thuật gói quà này nhé!

Bojagi (보자기) là mảnh vải hình vuông có viền xung quanh với các kích cỡ, màu sắc, họa tiết trang trí khác nhau, người Hàn Quốc thường dùng để bọc, gói các đồ vật. Người ta hay gọi tắt là Bo (보). Chiều dài và chiều ngang tấm vải thường khoảng 1m, rộng không quá một sải tay. Bojagi thường được người xưa dùng để gói các đồ vật, thức ăn và những món quà trong những dịp đặc biệt và nghi lễ.

1. Nguồn gốc và ý nghĩa

Không thể biết chính xác vật dụng này được bắt đầu sử dụng như thế nào, nhưng người ta cho rằng nó xuất phát từ nhu cầu bảo quản đồ vật một cách an toàn và dễ dàng hơn khi mang theo bên người hoặc đơn giản là cất giữ đâu đó ở nhà. Đặc biệt các tín ngưỡng dân gian truyền thống của Hàn Quốc tin rằng nếu bọc một cái gì đó mà gia chủ muốn cất giữ lại sẽ bảo vệ được may mắn. Nhiều người cho rằng việc sử dụng khăn bọc đã có từ thời kỳ Tam Quốc, nhưng không có dữ liệu và di vật nào còn tồn tại từ thời kỳ này. Loại Bojagi nổi tiếng nhất còn được lưu giữ cho đến nay là Subo, hiện được đặt trong Bảo tàng Jeonju. Người ta cho là ngày sản xuất của nó rơi vào cuối triều đại Goryeo.

Mặt khác, dữ liệu của Bojagi xuất hiện từ triều đại Joseon lại rõ ràng hơn. Khoảng những năm 1392 kéo dài đến những năm 1910, khi giai cấp cai trị ở Hàn Quốc cấm đoán phụ nữ tham gia vào nhiều hoạt động mà phụ nữ ngày nay được làm như thăm thú láng giềng, được rời nhà một mình hay được nói lên chính kiến. Nhằm mục đích duy trì sự minh mẫn, giảm bớt nhàm chán và cũng để tiết kiệm, những người phụ nữ Hàn Quốc xưa đã tận dụng những mảnh vải vụn để phát triển ra một loại hình nghệ thuật mới được gọi là Bojagi.

Ngoài ra âm Hán của từ 보(褓) được cho là đồng nghĩa với 복(福) là phúc nên từ thời Joseon nó đã được sử dụng với ý nghĩa gói ghém may mắn. Đặc biệt có một loại Bojagi được dùng trong lễ cưới là Subo, trên Subo được khắc hoa văn tượng trưng cho lời cầu chúc hạnh phúc. Đối với người xưa, Bojagi không đơn thuần chỉ là một công cụ để gói đồ mà còn là một công cụ để giao tiếp, thể hiện tấm lòng với người khác. Đó cũng là lý do lớn nhất để Bojagi chiếm phần nổi bật trong cuộc sống hằng ngày của người Hàn quốc và được phổ biến không giới hạn là tầng lớp xã hội nào.

Qua đó ta có thể rút ra 3 ý nghĩa của Bojagi với người xưa bao gồm:

1. Phản ánh rõ nhất lối sống trọng lễ nghĩa của người Hàn khi dùng nó với ý nghĩa gửi gắm lời chúc và thói quen trân trọng đồ vật.
2. Do nhà cửa của tầng lớp cấp thấp thường chật chội và nhỏ hẹp, thường dân sẽ dùng nó như một công cụ lớn có thể chứa được nhiều vật, góp phần tiết kiệm không gian.
3. Về mặt tín ngưỡng dân gian, nếu gói phúc trong túi vải thì phúc của gia chủ cũng sẽ được lưu giữ và bảo toàn.

Nhiều thập niên này, có một giai đoạn phần lớn người dân Hàn Quốc còn nghèo đến mức không thể dùng những chiếc cặp phương Tây kiểu cũ, lúc này Bojagi đã được sử dụng để thay cho cặp học sinh. Nó thường được gọi là bao hoặc bọc đựng sách (冊褓). Một vài cụ ông, cụ bà còn nói rằng họ đã đeo bao đựng sách xuyên suốt cấp 1, phải từ cấp 2 mới bắt đầu đeo cặp.

2. Phân loại

Thông thường, bojagi được thiết kế hình vuông với nhiều kích thước khác nhau với chất liệu vải được sử dụng gồm lụa, cotton, hay vải được dệt bằng cây gai dầu. Bojagi có thể có viền hoặc không viền, có thêu hoặc vẽ, được ghép bằng các lá vàng hay được may chần. Màu sắc của bojagi cũng rất phong phú nhưng thông thường màu sắc cơ bản gồm xanh lá cây, đỏ, vàng, trắng và đen tượng trưng cho ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Bojagi có thể được thiết kế theo Jogakbo (chắp vá các mảnh vải vụn), Subo (vải thêu), Shikjibo (loại giấy vải đặc biệt để trải bàn ăn tối) và Geurimbo (mảnh vải in hình ảnh).

조각보 (chắp vá các mảnh vải vụn)
수보 (vải thêu)

Để phù hợp với từng mục đích sử dụng, Bojagi được phân thành nhiều loại với những thiết kế, vật liệu vải sử dụng đa dạng. Gungbo là loại Bojagi được sử dụng trong hoàng cung để bọc những vật dụng khác nhau. Nó được các nhóm nghệ nhân sản xuất theo một quy trình rất bài bản từ dệt vải, vẽ họa tiết đến khâu chi tiết… Trong khi đó Minbo là loại Bojagi được sử dụng phổ biến của thường dân. Có rất nhiều loại Minbo khác nhau phụ thuộc vào đồ vật gì được dùng để bọc, chẳng hạn Ppallaebo dùng để gói quần áo sau khi giặt xong, Chaekbo dùng để bọc sách, Majibo dùng để gói thức ăn dâng lên Đức Phật…

Gungbo (궁보)

3. Các loại Bojagi phổ biến

1. Sangyongbo (tên thường gọi là Bo): Gồm có Jeondaebo (ví đựng tiền có dây thắt); Bobusangbo (ba lô); Sangbo (khăn trải bàn); Ibulbo (vải bọc chăn); Ppallaebo (dùng để gói quần áo sau khi giặt xong); Beoseonbo (dùng để gói tất); Chaekbo (dùng để bọc sách); Hwaetdaebo (dùng để che giá quần áo); Ganchalbo (dùng để bọc thư từ và tài liệu); Gyeongdaebo (dùng để bọc quần áo).

2. Hollyeyongbo (dùng trong đám cưới) gồm có Hambo (dùng để gói giăm bông); Gireogibo (dùng để gói một cặp ngỗng); Yedanbo (dùng để gói quà từ gia đình cô dâu tới các thành viên trong gia đình chú rể); Pyebaekbo (dùng khi cặp đôi mới cưới làm nghi lễ cúi đầu lạy tạ các thành viên trong gia đình nhà chồng).

3. Bojagi dùng trong nghi lễ đạo Phật gồm các loại Majibo (dùng để gói thức ăn dâng lên Đức Phật); Gongyangbo (dùng khi đưa thức ăn cho người lớn tuổi); Gyeongjeonbo (dùng để gói Kinh Thánh).

4. Bojagi dùng cho các dịp đặc biệt như Myeongjeongbo (dùng để bọc những băng hình của một đám tang); Yeongjeong bonganbo (dùng để giữ chân dung của người đã mất); Giujebo (dùng khi cầu nguyện thượng đế cho mưa xuống); Jegibo (dùng để giữ thức ăn dùng trong các nghi lễ).

Cũng có loại Bojagi dùng để trang trí như Hotbo (ga trải giường một lớp không có lót trong); Gyeopbo (ga trải giường hai lớp, có lớp lót trong và ngoài); Sombo (dùng với vải cotton có lớp lót trong); Jogakbo (bằng cách khâu từng mảnh vải nhỏ với nhau thành một tấm vải); Sikjibo (giấy dầu – làm bằng một phần hoặc hoàn toàn bằng giấy dầu); Nubibo (dùng để làm chăn bông).

Bojagi đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống người Hàn Quốc. Mọi sinh hoạt trong đời sống, những dịp quan trọng của đời người hay trong những nghi lễ trang trọng đều có sự xuất hiện của Bojagi. Tuy không phổ biến bằng trước đây nhưng Bojagi vẫn được tin dùng vì chúng được tin rằng sẽ mang lại may mắn cho người dùng.

Tự tin thành thạo tiếng Hàn với khóa học online. Chỉ từ 399k/khóa.

BẠN CẦN TƯ VẤN HỌC TIẾNG HÀN?

Vui lòng nhập thông tin dưới đây để được Tư Vấn & Hỗ trợ miễn phí về các Khóa học Tiếng Hàn cùng nhiều chương trình Ưu Đãi hấp dẫn dành cho bạn.