Lịch sử vẫn còn lưu truyền rằng: “Vương triều Joseon có một vị vua hơn cả anh minh, tài đức vẹn toàn trị vì quốc gia”. Không ai khác đó chính là Vua Sejong – người đã làm rạng danh cả một vùng bán đảo lúc bấy giờ. Tiếng tăm của ông vang vọng từ sử sách trong quá khứ đến phim ảnh thời hiện đại. Ông còn được xem là vị minh quân đưa văn hóa vương triều Joseon đến một thời kỳ rực rỡ. Xứng danh với vương hiệu “Đại Vương” mà người dân khắp cả nước dành cho ông.
1. Sơ lược về vua SeJong
Vua Sejong (Thế Tông) là quốc vương thứ tư của vương triều Joseon. Ông trị vị Vương triều suốt 32 năm(1418-1450).Ngay từ bé, ông là người hiếu động, ham học hỏi, ham khám phá và còn học rất giỏi các môn học nên được vua cha sủng ái nhiều hơn 2 người anh trai. Với tài năng xuất chúng của mình ông được hai người anh trai nhường lại ngôi vị. Mặc dù, quá trình lên ngôi của ông gây ra nhiều tranh cãi trong triều chính lúc bấy giờ, nhưng mọi chuyện đã được chứng minh bằng tài lực và khả năng hiểu biết sâu sắc của ông. Ông lên ngôi kế vi vào năm 21 tuổi, ngày 10 tháng 8 (9/9/1418), để trị vì thiên hạ thái bình ông miệt mài ngày đêm tìm đủ cách để cải thiện đời sống cho bách tính.
2. Thành tựu của các lĩnh vực
Vua Sejong lấy nông nghiệp phát triển đất nước, đặc biệt chú trọng việc cải tiến đất hoang. Cải thiện nông nghiệp bằng việc nâng cao kỹ thuật trồng trọt. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ người dân mở rộng đất canh tác. Năm 1429, Vua Sejong cho biên soạn sách Nông sự trực thuyết để hướng dẫn bách tính. Tác phẩm này chứa đựng nhiều kỹ thuật canh tác khác nhau. Các kỹ thuật này cần thiết để thực hiện những phương pháp công tác mới trong nền nông nghiệp.

Nền kinh tế nông nghiệp phát triển vượt bậc kéo theo thương nghiệp phát triển từ đó các lĩnh vực khác như pháp luật, địa lý, lịch sử, văn học, thiên văn học, y học, quốc phòng, ngoại giao, in ấn và khoa học cũng đạt được nhiều thành tựu tiến bộ. Dưới sự bảo trợ của nhà vua nhiều công trình khoa học đã được xuất bản. Có một điểm đáng chú ý trong lĩnh vực pháp luật là thông qua bộ luật Chính Điển, đề cao quyền lực của nhà vua và còn củng cố lại bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương. Sử học cũng được bảo trợ, chính vì thế nhiều cuốn sử nổi tiếng được xuất bản. Tiêu biểu là bộ sử Triều Tiên Vương Triều Thực Lục, ngoài ra còn ông còn cho biên soạn bộ sử Quốc Triều Bảo Giám được trích từ bộ Thực Lục để nêu gương cái vị tiên vương và để lại những lời khuyên giúp hậu thế cai trị tốt hơn. Lịch sử lúc bấy giờ được xem là tấm gương, khuôn mẫu của các vị tiên vương.
Tiếp nối lĩnh vực lịch sử, thì lĩnh vực địa lý cũng được vua Sejong dành nhiều sự quan tâm, vào năm 1432 cho biên soạn cuốn Bát Đạo Đại Lý Chí sau đó đưa vào bộ Thế Tông Thực Lục cung cấp những thông tin cần thiết giúp ích cho việc trị vì thiên hạ.
Tiếp đến lĩnh vực Y học, sau khi được vua Sejong bảo trợ tác phẩm Hương Dược Tập Thành Phương đã chính thức xuất bản vào năm 1433. Được sử gia Yung Sik Kim nhận định là đại diện cho “các cố gắng của người Triều Tiên nhằm phát triển hệ thống kiến thức y học riêng của chính mình, khác biệt với những gì của Trung Hoa.” Vào năm 1445 cuốn bách khoa từ điển y học Y Phương Loại Tụ cũng được xuất bản. Công trình chứa đựng nguồn tài liệu phong phú, thuận tiện cho việc tập hợp, tra cứu về y, dược học.
Khoa học – kĩ thuật, bằng đôi mắt tinh tường của một vị thánh quân, ông đã phát hiện ra tài năng của Tưởng Anh Thực, đồng thời cũng phong lên làm quan và bảo trợ cho các nghiên cứu phát minh của Tưởng , từ đó đã có nhiều phát minh được cho ra đời dưới triều đại Joseon, để lại cho con dân sau này những cổ vật như đồng hồ cát, đồng hồ mặt trời, lịch triều tiên, và ấn tượng nhất là vũ lượng kế được sáng chế đầu tiên trên thế giới vào năm 1770.
3. Vua SeJong và Huấn Dân Chính Âm
Xong thành tựu sáng giá nhất của vua Sejong là tạo ra chữ Hangeul. Sau khi lên trị vì đất nước, ông không những mong muốn độc lập chủ quyền mà còn mong muốn bách tính trong xã hội lúc ấy đều có thể biết chữ, có thể đọc viết dễ dàng. Bởi ông ý thức được hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ để bách tính muôn nơi biết mặt chữ là một việc rất khó, bởi lúc ấy tất cả đều dùng chữ Hán, mà chữ Hán thì khó đọc, khó viết, điều kiện tiếp xúc với chữ Hán cũng còn hạn chế. Chỉ có những nhà quyền quý, quý tộc mới có cơ hội tiếp xúc với chữ Hán, còn đại đa số dân chúng đều mù chữ.
Chính vì những điều như thế, ông đã sáng tạo ra bảng chữ cái dễ đọc, dễ viết. Lúc mới ra đời bảng chữ cái này có tên gọi là “Huấn dân chính âm” có nghĩa là “Âm chính xác để hướng dẫn nhân dân” gồm 28 chữ (ngày nay còn 24 chữ). Mặc dù, lúc đó trong triều cũng có những cuộc phản đối kịch liệt của các phe phái khác nhau nhưng với ý chí, tâm huyết vì nhân dân, vì nền độc lập tự chủ khẳng định vị thế của vương triều, đến cuối cùng vua SeJong cũng đã hoàn thành bảng chữ cái vào cuối tháng 12 năm 1443( có tài liệu ghi chép là năm 1444) và chính thức công bố năm 1446.
Bảng chữ cái này không chỉ là phát minh khoa học đơn thuần mà còn là thành tựu văn hóa truyền thống của nước nhà. Vào năm 1997, Hangul (bảng chữ cái tiếng Hàn) đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Có thể công nhận vua Sejong trị vì đất nước bằng cả trái tim nhân hậu, luôn đặt lợi ích của đất nước và đời sống của bách tính lên hàng đầu trong suốt 32 năm. Những đóng góp của ông trong khoa học- kĩ thuật cũng như trong văn học, không những giúp cho bách tính thời ấy mà còn mở ra bước ngoặc mới cho ngành khoa học-kĩ thuật sau và lịch sử văn học truyền thống sau này.
>>Xem thêm: Chủ tịch Chung Ju Yung: Chàng nông dân sáng lập đế chế Hyundai
>> Xem thêm: Họa sĩ Park Soo Keun – người vẽ tiếng lòng của nhân dân Hàn Quốc