Khác với đất nước Việt Nam của chúng ta sử dụng xe máy là phương tiện chính và tiện lợi nhất. Ở Hàn Quốc và các quốc gia khác đa phần đều sử dụng xe ô tô là phương tiện chính của họ. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ từ những năm 1960, các tập đoàn lớn đã chuyển mình thành các doanh nghiệp mang tầm cỡ quốc tế. Cùng với công nghiệp đóng tàu, ngành công nghiệp ô tô tại Hàn Quốc là động lực chính quan trọng tạo ra một con rồng châu Á với GDP 2013 đạt 1.622 tỷ USD.
Ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc được hình thành vào năm 1962 với những hoạt động lắp ráp một mẫu xe khách của Nissan. Theo nhà phân tích Lee Nae Young để đưa một ngành công nghiệp tăng trưởng và phát triển thành một thế lực chính trị trên thị trường toàn cầu là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và Hàn Quốc đã phải trả những chi phí khổng lồ trong quá trình đó. Mãi đến năm 2001, Hàn Quốc đã trở thành nơi sản xuất ô tô đứng thứ năm và là nhà xuất khẩu lớn thứ sáu trên thế giới.
Có sự cân bằng giữa chi phí và chất lượng
Lúc bấy giờ vấn đề khó khăn nhất là về mặt công nghệ. Để bắt kịp với các nhà sản xuất hàng đầu thế giới chính phủ Hàn Quốc đã bắt buộc các tập đoàn nước ngoài gia nhập thị trường thông qua con đường liên doanh liên kết. Nhờ đó mà các tập đoàn ô tô Hàn Quốc từng bước nắm bắt công nghệ cao của các quốc gia hàng đầu như Mỹ, Nhật và Châu Âu. KIA là sự liên kết của Kyeongseong và Mazda năm 1964, còn Hyundai hợp tác với Ford năm 1968.

Nhờ những kinh nghiệm và nguồn lực tài chính trong thời gian lắp ráp cho Ford, Hyundai đã thiết kế được mẫu xe riêng của mình, sử dụng động cơ Mitsubishi và đặt tên nó là Pony. Chiếc xe đầu tiên 100% xuất xứ tại Hàn Quốc và chính thức bán ra ở thị trường nội địa Hàn Quốc từ năm 1976. Đây cũng đã đánh dấu một trang sử mới cho nền công nghiệp ô tô của nước này.
Những bất lợi, khó khăn và thách thức
Trên thực tế mâu thuẫn với tiềm lực của Hàn Quốc bấy giờ là khi thị trường nội địa nhỏ, yếu kém về công nghệ, thiếu vốn, hạn chế nhân lực và các ngành công nghiệp kém phát triển,.. Khi chi phí lao động tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế, Hàn Quốc buộc phải vượt qua những hạn chế nguồn lực của mình để tiếp tục cạnh tranh và lựa chọn là đầu tư phát triển công nghệ.
Sự phát triển của ngành ô tô Hàn Quốc có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây cả về doanh số tại thị trường nội địa cũng như doanh thu xuất khẩu. Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất xe Hàn Quốc (KAMA) thì nửa đầu năm 2017 sản lượng xuất khẩu chỉ đạt 1,23 triệu xe, mức thấp nhất trong 8 năm trở lại đây. Tại thị trường trong nước đạt 785 nghìn xe, giảm 4% so với cùng kì năm 2016. Doanh thu sụt giảm từ cả 2 thị trường dẫn đến sản lượng ô tô ghi nhận mức thấp nhất kể từ sau 2010.
Bắt đầu lấn sân vào thị trường quốc tế, vươn ra thế giới
Đến năm 1980, hãng xe Hyundai đã bắt đầu tấn công thị trường Mỹ. Mặc dù bị giới truyền thông coi thường và lấy làm trò cười nhưng những chiếc xe của Hyundai vẫn có chỗ đứng bởi không khách hàng lại đi từ chối một mẫu xe có giá rẻ cả. Do đó, chiếc Hyundai Excel 1986 với giá bán chỉ 4.995 USD (so với giá 6.699 USD của chiếc Honda Civic DX) không khác gì một món hời. Vào năm đầu tiên ra mắt đã bán được 150.000 chiếc và bán được hơn 250.000 chiếc/ năm vào năm ra mắt thứ 2 và thứ 3.

Không thể cứ như thế mà phát triển, “cơn sốt” lúc đầu nhanh chóng “hạ nhiệt”. Doanh số của Hyundai Excel tụt mạnh vào năm 1989 và chạm đáy vào những năm 1990. Đến năm 1988, Chủ tịch đương thời của Hyundai Mỹ – Finbarr O’Neill nảy sinh ra ý tưởng về chế độ bảo hành động cơ 10 năm/100.000 dặm (160.000 km) cho những xe bán tại thị trường Mỹ. Nhờ vậy, mối bận tâm về chất lượng và độ bền xe Hàn đã được gỡ bỏ, giúp người dùng tự tin mua xe hơn.

Công nghiệp ô tô tại Hàn Quốc khẳng định vị thế
Hãng xe đồng hương với Hyundai là Kia cũng bắt đầu lấn sân vào thị trường Mỹ từ năm 1993. Mẫu xe đầu tiên được giới thiệu là chiếc Sedan Sephia có giá 8.495 USD. Mẫu xe này cũng nhanh chóng bán khắp nước Mỹ trong vài năm sau đó và có thêm “anh em” là chiếc compact SUV Sportage. Năm 1998, Hyundai mua lại Kia, trở thành công ty sản xuất ô tô lớn thứ 5 thế giới sau vụ sáp nhập. Tuy nhiên, hai hãng xe này vẫn giữ việc tổ chức kinh doanh và hoạt động marketing tách biệt nhau.

Học theo chiến lược của Toyota và Honda, Hyundai cho xây dựng nhà máy sản xuất ở Montgomery, Alabama, Mỹ vào năm 2005 để dễ dàng tiến sâu vào thị trường lớn nhất thế giới này hơn. Năm năm sau đó, Kia cũng mở nhà máy ở West Point, Georgia, Mỹ.
Có thể thấy, để có được phát triển mang tầm quốc tế như ngành công nghiệp ô tô ở Hàn Quốc hiện nay thì họ cũng đã phải trải qua những thời kì vô vàn khó khăn và thử thách. Từ một nhà sản xuất xe hơi giá rẻ, Hàn Quốc đang chuyển mình, với sự hỗ trợ đắc lực của những công nghệ mới tiết kiệm nhiên liệu, tạo ra những mẫu xe đáp ứng nhiều hơn nhu cầu thị trường. Và cũng là điều thách thức lớn với các quốc gia có truyền thống lâu trong ngành như Mỹ, Nhật, Đức mà còn là đối thủ cạnh tranh hàng đầu của các nhà sản xuất mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ.